Bệnh án giả, phạm tội thật
Mới đây, một người đang điều trị tâm thần vẫn có thể điều hành đường dây mua bán ma túy, thậm chí còn tổ chức xây dựng phòng “bay lắc” ngay trong phòng điều trị của mình... Câu chuyện gây chấn động dư luận này tưởng như chỉ có trong các kịch bản phim ảnh, thế nhưng lại diễn ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (BVTT TW 1).
Cụ thể, ngày 20/3, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội đã triệt phá thành công đường dây mua bán ma túy với số lượng lớn diễn ra ngay tại BVTT TW 1 (huyện Thường Tín, Hà Nội). Theo đó, đối tượng cầm đầu đường dây này là Nguyễn Xuân Quý, 38 tuổi, trú tại Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Theo cơ quan công an, Quý là đối tượng cộm cán, từng có nhiều tiền án, tiền sự. Năm 2018, do có kết luận giám định pháp y tâm thần của Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Quý đã “trốn” được án tù và phải đi điều trị bệnh bắt buộc tại BVTT TW 1. Từ năm 2018 đến nay, Quý đã nhiều lần tự ý rời khỏi bệnh viện, đầu năm 2021, Quý tiếp tục bị công an bắt giữ về tội tàng trữ trái phép chất ma túy nhưng do có bệnh án tâm thần nên được trả về bệnh viện...
Có thể thấy, mặc dù bị tâm thần nhưng Quý có phương thức, thủ đoạn hoạt động hết sức tinh vi. Ngày 20/3, khi bị bắt, tại cơ quan CSĐT, Quý khai nhận: Lợi dụng vỏ bọc là bệnh nhân tâm thần điều trị nội trú, Quý đã thuê phòng điều trị tại đây và biến thành phòng “bay lắc” thu nhỏ, để phục vụ các con nghiện...
Trước vụ việc trên không lâu, cũng với thủ đoạn gắn mác bệnh nhân tâm thần để đối phó cơ quan chức năng, ngày 26/3/2020, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã bắt giữ Nguyễn Thị Mai Anh (41 tuổi, ở Hà Nội) trốn truy nã.
Theo hồ sơ, trước đó, đối tượng này là chủ mưu vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng trong khi đồng bọn bị lĩnh án, thì Mai Anh được đưa đi chữa bệnh tâm thần. Và trong thời gian chữa trị, nữ quái này lại “ngựa quen đường cũ” và tiếp tục làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần cho một số đối tượng có tiền án, tiền sự nhằm trốn sự trừng phạt của pháp luật...
Đối tượng Quý tại cơ quan điều tra.
Liệu có thoát tội?
Vấn đề đặt ra, các đối tượng nói trên có thực sự bị tâm thần hay không?... Điều đó chỉ có cơ quan chức năng mới có kết luận, nhưng việc các đối tượng này phải chịu trách nhiệm hình sự như thế nào, đang là vấn đề dư luận quan tâm.
Nói về vấn đề này, luật sư Trần Viết Hà - thành viên Công ty Luật TNHH MTV Nam Sơn (TP. Hồ Chí Minh), cho biết: Nếu một người tâm thần và kết luận giám định pháp y tâm thần cũng khẳng định điều đó, thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ cho những hành vi họ đã gây thiệt hại cho xã hội, đó chính là sự nhân đạo của pháp luật.
Thế nhưng, nếu một đối tượng giả hồ sơ bệnh án tâm thần, thì chắc chắn đối tượng đó không thuộc phạm vi điều chỉnh để được nhận sự nhân đạo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Bởi thực tế họ chẳng có bệnh lý nào, khả năng nhận thức và điều khiển hành vi hoàn toàn bình thường. Cho nên nếu hiểu các đối tượng lợi dụng vỏ bọc bệnh án tâm thần để phạm tội mà không chịu sự trừng phạt của pháp luật là không đúng. Trong trường hợp bệnh án giả thì khi trưng cầu giám định pháp y tâm thần chắc chắn sẽ bị phát hiện, đồng thời cũng không thể qua mặt được cơ quan điều tra. Trong trường hợp đó, không những các đối tượng tội phạm đó bị truy cứu mà cơ quan làm giả các bệnh án đó cũng sẽ bị làm rõ trách nhiệm và truy cứu đúng người đúng tội.
Do đó, với các quy định chặt chẽ của pháp luật hình sự như hiện nay thì việc giả bệnh án tâm thần để thoát tội khó có thể xảy ra.