Từ nay, thông tin sức khỏe của người dân từ khi sinh ra đến khi mất đi đều được số hóa lưu giữ đầy đủ. Xu hướng của nhiều nước phát triển trên thế giới hiện nay cũng đã được áp dụng tại các bệnh viện ở Việt Nam, góp phần rút ngắn thời gian khám và điều trị bệnh.
Thời gian chờ đợi giảm hẳn
Các bệnh viện ở TP.HCM đã đồng loạt áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử. Trước đó, nhiều bệnh viện ở thành phố đã thực hiện thí điểm sử dụng bệnh án điện tử trong khám, chữa bệnh và đạt được nhiều kết quả khả quan.
Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM là một trong những nơi triển khai bệnh án điện tử từ khá sớm. Từ năm 2018, bệnh viện đã áp dụng, triển khai lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa, xét nghiệm mà không cần in ra. Nhờ vậy, toàn bộ thông tin, tiểu sử bệnh nhân đã khám đều được bệnh viện quản lý trên máy, khi muốn truy cập, chỉ cần đánh mã số là thông tin của bệnh nhân hiện ra, giúp việc khám, chữa bệnh nhanh chóng, tiết kiệm thời gian chờ đợi cho người bệnh.
Tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện quận Thủ Đức, TP.HCM, hơn 2 năm qua, hàng ngày, các bác sĩ đã không còn “ôm” những tập bệnh án dày, nặng mỗi khi hội chẩn. Bằng việc trang bị máy tính bảng kết nối internet, thông tin về người bệnh được tra cứu đơn giản, thuận tiện. Người bệnh rút ngắn được thời gian điều trị, còn các bác sĩ tăng hiệu suất khám chữa bệnh.
Hơn 2 năm triển khai bệnh án điện tử, Bệnh viện quận Thủ Đức đã hạn chế sai sót ở mức thấp nhất trong việc kê khai thuốc, vật tư y tế và xét nghiệm. Nhờ đó, dù chỉ là một bệnh viện khu vực nhưng mỗi ngày, bệnh viện này thu hút trên 5.000 lượt người dân tới khám chữa bệnh và điều trị 800 bệnh nhân nội trú.
Tại phía Bắc, BVĐK tỉnh Phú Thọ là bệnh viện đi đầu trong thực hiện mô hình bệnh viện thông minh. Với mô hình này, người bệnh (có thẻ thông minh do bệnh viện phát hành) khi đến khám, chữa bệnh thực hiện mọi thủ tục đăng ký khám bằng cách quẹt thẻ để lấy số thứ tự khám bệnh, bảo đảm nhanh chóng, chính xác và quan trọng là giảm nhiều thời gian chờ đợi. Hiện tại, bệnh viện cũng đã triển khai việc quẹt thẻ để in hóa đơn đỏ các chi phí khám, chữa bệnh nhằm đảm bảo sự công khai, minh bạch các dịch vụ và chi phí khám chữa bệnh phải trả. Tại tất cả các phòng khám cũng đã được trang bị màn hình LCD và loa gọi giúp người bệnh khi đến khám nhìn thấy công khai thứ tự của mình và chờ đến lượt vào khám một cách văn minh, loại bỏ tâm lý chiếm chỗ, chen lấn trước khi chưa áp dụng mô hình. Cùng với những thuận lợi trên, BVĐK tỉnh Phú Thọ đã triển khai bệnh án điện tử cho tất cả người bệnh. Theo đó, khi có bệnh án điện tử, sẽ giúp quá trình tìm kiếm thông tin của người bệnh thuận lợi, chính xác và quan trọng là không mất nhiều thời gian truy lục.
Người bệnh dùng thẻ thông minh khi đến khám chữa bệnh. Ảnh: Sỹ Minh
Lộ trình cần thiết để số hóa ngành y tế
Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, từ ngày 1/3/2019, các cơ sở y tế bắt đầu thực hiện tiến trình thay thế bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử. Theo lộ trình, từ nay đến năm 2025, các bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt sẽ phải hoàn tất việc thay thế bệnh án giấy, chuyển hoàn toàn sang sử dụng bệnh án điện tử, các bệnh viện còn lại sẽ thay thế hoàn toàn trước năm 2030.
Bệnh án điện tử có thể sắp xếp và tự động hóa quy trình công việc của bác sĩ bảo đảm tất cả thông tin lâm sàng, cận lâm sàng được thông suốt. Bệnh án điện tử giúp thu thập dữ liệu không những hỗ trợ tốt cho việc chăm sóc sức khỏe mà còn hỗ trợ cho các công tác khác như tính viện phí, quản lý chất lượng, báo cáo kết quả điều trị, báo cáo thống kê bệnh viện...
Ngoài những ưu điểm trên, một trong những thuận lợi của hồ sơ bệnh án điện tử là việc liên thông với bảo hiểm xã hội. Theo đó, hồ sơ không cần phải in ra đem nộp, đồng thời việc chi trả được nhanh chóng, thuận lợi.
Tuy mới bắt đầu triển khai bệnh án điện tử nhưng còn xuất hiện nhiều khó khăn, theo ông Trần Quý Tường, đây là vấn đề mới, khó, nước ta chưa có kinh nghiệm. Bộ Y tế cũng chưa có kinh nghiệm, mới chỉ đi học tập, tham quan ở nước ngoài về. Thứ 2, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tức là chúng ta chuyển đổi cách làm việc, phương thức làm việc từ thủ công, bệnh án giấy, ghi chép giấy, rất tốn thời gian sang làm bằng máy nên chúng ta cần phải có thời gian. Thứ 3 nữa là, các quy trình nghiệp vụ chuyên môn, quy trình quản lý bệnh viện của chúng ta chưa được tối ưu hóa, các danh mục dùng chung, quy trình kết nối hiện nay cũng chưa được hoàn thiện.
Rõ ràng, những tiện ích mà hồ sơ bệnh án điện tử đem lại là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc triển khai này phải đảm bảo sự đồng bộ mới có thể tạo được hiệu quả cao. Muốn vậy, trước hết chúng ta phải có được mẫu hồ sơ bệnh án điện tử chung cho các bệnh viện áp dụng và quan trọng nhất phải có sự đầu tư về con người, trang thiết bị để sớm hiện thực số hóa ngành y tế.