Hà Nội

Bệnh Alzheimer trẻ hoá, nhiều người 30 tuổi đã lúc nhớ lúc quên

05-09-2022 13:21 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Theo các chuyên gia y tế, những ai hay quên liên tục từ 6 tháng trở lên, nhất là người lớn tuổi, là đối tượng cần được quan sát, chú ý thăm khám sức khỏe thần kinh định kỳ để nhận biết và điều trị sớm Alzheimer.

Gia tăng bệnh nhân mắc Alzheimer

Nữ bệnh nhân N.T.H (Hà Nội) bị Alzheimer lúc nhớ lúc quên và đang phải điều trị tại bệnh viện. BS. Nguyễn Thị Thúy Nga – Khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị cho biết, trường hợp bệnh nhân này suy giảm nhận thức mức độ vừa, trong sinh hoạt hàng ngày bệnh nhân có lúc hay quên khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Một ca bệnh khác, nam bệnh nhân 80 tuổi trước đây đã từng mắc bệnh Alzheimer. Gần đây, bệnh nhân lại bị tai biến mạch máu não nhiều lần khiến tình trạng sa sút trí tuệ ngày càng nặng hơn.

Theo BS. Hoàng Thị Thanh Thúy – Phó trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị, bệnh nhân mắc phối hợp sa sút trí tuệ do thoái hóa não với sa sút trí tuệ do các bệnh lý mạch máu nên mức độ bệnh nặng, bệnh nhân gần như quên hết mọi thứ, có cả rối loạn định hướng về không gian và thời gian. Giai đoạn muộn, bệnh nhân còn có cả rối loạn về tâm thần.

Bệnh Alzheimer trẻ hoá, nhiều người 30 tuổi đã lúc nhớ lúc quên - Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám cho nữ bệnh nhân cao tuổi mắc sa sút trí tuệ.

Các bác sĩ cảnh báo, người mắc Alzheimer có xu hướng tăng do tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng lên. Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số. Nước ta có 12 triệu người ở độ tuổi trên 65 tuổi và tuổi thọ trung bình là 75. Già hóa dân số đồng nghĩa với việc chúng ta đang phải đối diện với các vấn đề bệnh tật của người cao tuổi, trong đó sa sút trí tuệ đang là một thách thức. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng tác động không nhỏ đến căn bệnh này.

TS. BS Mai Đức Thảo – Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị cho hay, qua nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mắc Alzheimer càng ngày càng tăng, có thể lên tới 20-30%. Đặc biệt sau đại dịch COVID-19 vừa qua cũng ảnh hưởng khá nhiều đến những người mắc bệnh Alzheimer.

Nhiều trường hợp mắc Alzheimer gặp phải tình trạng "sương mù não" – đây là một dạng rối loạn chức năng nhận thức, có thể gây ra một số các triệu chứng khó chịu như mệt mỏi, kém tập trung, thiếu minh mẫn. Từ đó, chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng. Nếu để kéo dài tình trạng này mà không được điều trị, người bệnh có thể gặp các tình trạng sức khỏe nguy hiểm khác.

Sa sút trí tuệ có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer (chiếm 60 - 80% tổng số các bệnh nhân sa sút trí tuệ).

Cũng theo BS. Thảo, một số trường hợp bệnh nhân ban đầu chỉ có rối loạn nhẹ về trí nhớ, nhưng nếu không được phát hiện điều trị kịp thời thì triệu chứng bệnh nặng lên, người bệnh gặp phải các rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi và các triệu chứng khác của sa sút trí tuệ.

Một thực tế được các chuyên gia cảnh báo là không chỉ người cao tuổi mới mắc Alzheimer, tại nhiều bệnh viện ở nước ta trong thời gian qua đã ghi nhận không ít người trẻ tuổi mắc phải căn bệnh này. "Có bệnh nhân 30 tuổi đã sa sút trí tuệ, sau đó có biểu hiện rối loạn hành vi về giấc ngủ, ăn uống, rối loạn nhận thức... và phải điều trị bằng thuốc ngay từ đầu" – TS. BS Mai Đức Thảo cho biết thêm.

Ai nên đi khám sa sút trí tuệ?

Theo BSCKII. Bùi Văn San - Phòng Tâm thần người già, Viện Sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai), các triệu chứng sa sút trí tuệ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân, nhưng các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Thay đổi nhận thức;
  • Mất trí nhớ;
  • Khó giao tiếp hoặc tìm từ;
  • Khó khăn với khả năng thị giác và không gian, chẳng hạn như bị lạc trong khi lái xe;
  • Khó xử lý các nhiệm vụ phức tạp;
  • Khó khăn trong việc lập kế hoạch và tổ chức;
  • Khó khăn với sự phối hợp và chức năng vận động;
  • Nhầm lẫn và mất phương hướng…

Chuyên gia y tế khuyến cáo, những ai hay quên liên tục từ 6 tháng trở lên, nhất là người lớn tuổi, là đối tượng cần được quan sát, chú ý thăm khám sức khỏe thần kinh định kỳ để nhận biết và điều trị sớm Alzheimer.

Những người trẻ có nguy cơ mạch máu như cao huyết áp, đái tháo đường, kèm triệu chứng hay quên sớm hơn 40 tuổi, nên đi thăm khám thường xuyên vì nguy cơ Alzheimer có thể đến sớm hơn.

Bác sĩ cũng lưu ý các yếu tố nguy cơ mạch máu nếu điều trị không tốt sẽ gây tổn thương thành mạch dẫn đến thiếu tưới máu đến các vùng lưu trữ thông tin trí nhớ.

Những dấu hiệu ban đầu báo hiệu bệnh Alzheimer thường bị bỏ quaNhững dấu hiệu ban đầu báo hiệu bệnh Alzheimer thường bị bỏ qua

SKĐS - Đôi khi hay quên có thể là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa, nhưng một số loại nhầm lẫn nhất định có thể báo hiệu sự bắt đầu của sự suy giảm nhận thức.


Dương Hải
Ý kiến của bạn