Bệnh Alzheimer- Đâu chỉ là chuyện chữa trị

31-03-2016 09:24 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Việt Nam đang nằm trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh khiến số lượng người cao tuổi nhiều thêm. Sa sút trí tuệ - căn bệnh vẫn được biết đến với cái tên Alzheimer đang trở nên phổ biến . Đáng tiếc rằng, ở nước ta, căn bệnh này chưa được nhận thức đầy đủ và điều đó có thể dẫn tới nhiều hệ lụy xã hội.

Buổi Khám, tư vấn miễn phí về bệnh Alzheimer lần đầu tiên tại Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai thu hút sự quan tâm của nhiều người   Ảnh : MT

Sa sút trí tuệ , mối nguy cơ lớn ở người cao tuổi

Bệnh Alzheimer là một bệnh sa sút trí tuệ tiến triển ở người lớn tuổi. Tại các nước phát triển, tỷ lệ mắc bệnh tăng khá nhanh từ 5-10% vào thập kỷ 70 lên đến ít nhất 25% sau này. Theo thống kê ở Mỹ, quá nửa (53%) số người già trên 75 tuổi mắc bệnh Alzheimer. Đây là một bệnh nặng, tiến triển nhanh lại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, nó còn đáng sợ hơn bất cứ căn bệnh tuổi già nào khác. Theo thống kê dịch tễ, bệnh có thể khởi phát sớm ở tuổi 50-60, hiếm gặp còn có trường hợp phát hiện triệu chứng từ tuổi 40.

Theo BS. Nguyễn Minh Tuấn ( Phó Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai), bệnh sa sút trí tuệ bắt đầu từ những biểu hiện nhẹ như hay quên, quên tên người quen, quên những sự kiện mới xảy ra…; cảm xúc không ổn định, dễ mất kiểm soát cảm xúc theo hướng tồi tệ, hay bực bội, cáu giận. Khi bệnh tiến triển, người bệnh trở nên lú lẫn, mất phối hợp cả thần kinh và tâm lý, vẻ mặt đờ đẫn khác thường. Trong buổi khám và tư vấn miễn phí về bệnh Alzheimer mới đây ở Viện Sức khỏe tâm thần, bà Th. được cả hai con trai đưa đến khám. Mới 74 tuổi, nhưng bà Th. không thể nhớ con mình, quên cả cách viết mặc dù trước đây bà từng là một cán bộ Công đoàn chuyên trách. Khi được hỏi, bà Th. rất vui vẻ trả lời nhưng… nói lắp bắp mãi không ra câu.  Trường hợp của bà Th được xác định là bệnh đã ở giai đoạn muộn, mọi hoạt động trong cuộc sống hàng ngày đều phải được người khác giúp đỡ.

Với người bệnh, chăm sóc có ý nghĩa rất quan trọng

Trong cuộc sống, một người hay quên, hay nhầm lẫn thường bị mắng là “lú lẫn”. Dường như điều này đã đem lại nhận thức xem nhẹ những triệu chứng sớm của căn bệnh Alzheimer. Nếu có nhận ra, cũng ít người đi khám bác sĩ vì  không nghĩ là bệnh. Nhiều người vẫn nghĩ “già đãng trí” là chuyện đương nhiên. Con trai bà Th.kể rằng, khi mẹ anh có triệu chứng sớm của bệnh Aizheimer, cả nhà chỉ nghĩ bà bị ảnh hưởng của bệnh tật thời còn trẻ là bệnh khớp, mất ngủ: “Mẹ tôi uống nhiều thuốc lắm, nên tụi tôi nghĩ bà bị ảnh hưởng, với lại bà cũng đã cao tuổi. Bây giờ bệnh nặng quá rồi, bác sĩ bảo dùng thuốc cũng không ăn thua”. Thầy thuốc ở Viện Sức khỏe tâm thần kể, có trường hợp người bệnh Alzheimer ăn rồi lại” tố khổ” : Con cái nó chẳng cho tôi ăn gì cả . Con dâu tức quá kết tội mẹ chồng “rõ điêu” (!). Thế là xung đột trong gia đình xảy ra. Do không biết mẹ bị bệnh nên con dâu suốt ngày kể xấu mẹ chồng còn bà mẹ chồng không những hay quên mà còn vì không khí gia đình không vui, suốt ngày bị dằn hắt nên bị hoang tưởng và trầm cảm nặng.

Người cao tuổi được làm bài kiểm tra đánh giá tình trạng nhận thức, trí tuệ    Ảnh: MT

BS Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, bởi căn bệnh Alzheimer chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có thể dùng thuốc để cải thiện triệu chứng, giảm tốc độ tiến triển của căn bệnh, nên mặc dù điều trị là cần thiết nhưng quan trọng hơn là sự chăm sóc của gia đình, người thân với người bệnh. Bệnh Alzheimer không cần nằm viện. Người bệnh chỉ đến khám, lấy thuốc rồi về nhà. Việc hiểu biết cũng như có nhận thức đúng mức về bệnh Alzheimer của bản thân người bệnh và người chăm sóc, người thân trong gia đình đóng một vai trò hết sức quan trọng trong điều trị. “ Nếu chỉ là chuyện thuốc men thì quá đơn giản, nhưng người bệnh Alzheimer cần phát hiện sớm, được chăm sóc và hỗ trợ . Phải xác định rằng, suy giảm nhận thức khiến người bệnh trở thành đứa trẻ to xác, việc chăm sóc trở nên vất vả hơn hơn nhiều so với chăm trẻ con hay người bệnh khác.”- BS Tuấn nhấn mạnh. Ông so sánh: Khớp già thoái hóa được, tim dùng mãi cũng hỏng, vậy não dùng nhiều vậy đương nhiên phải thoái hóa, không những thế còn trầm trọng hơn. Chúng ta chăm sóc cẩn thận với người mắc bệnh khớp, bệnh tim, sao lại coi nhẹ bệnh Alzheimer? Khi người sa sút trí tuệ tới giai đoạn nặng, chăm sóc còn quan trọng hơn điều trị. Điều BS Tuấn lo lắng là chưa có nhiều người hiểu biết và nhận thức đúng mức về căn bệnh Ailzheimer. Điều này dẫn tới những hệ lụy đáng tiếc như, mẫu thuẫn không đáng có trong gia đình, người bệnh không được chăm sóc đúng mức, người mắc bệnh Alzheimer không được phát hiện sớm giúp được điều trị sớm, bệnh tiến triển nhanh làm tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Xuất phát từ mong muốn tăng cường hiểu biết về căn bệnh Alzheimer trong cộng đồng, Viện sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai đã tổ chức buổi khám, tư vấn miễn phí về bệnh Alzheimer tại Viện ngày 30/3/2016. Đây là lần đầu tiên và BS Nguyễn Minh Tuấn hy vọng có thể tìm kiếm nguồn lực để tiếp tục hoạt động này, không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các địa phương khác trên cả nước.


Minh Thúy
Ý kiến của bạn