Bên trong những ngõ phố cổ Hà Nội

17-02-2018 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Những con ngõ siêu nhỏ, siêu hẹp, siêu sâu và rất nhiều trong số đó chỉ có thể gọi bằng một cái tên chung là ngõ không tên, đan xen chằng chịt khắp phố cổ Hà Nội.

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo kể là anh từng nhiều lần đưa người phố cổ đi thăm phố cổ. Địa lý ở khu phố cổ Hà Nội khiến nhiều người được sinh ra và lớn lên tại đó cũng không biết hết và có khi cả đời cũng không đi hết được. Trong bộ ảnh dày đặc về Hà Nội của anh Bảo có một tệp ảnh những Ngõ Phố cổ. Anh chụp ngõ với tinh thần của dân sử, chụp những gì cảm thấy có khả năng mất đi hoặc ghi dấu ấn của một giai đoạn. Cộng vào đó là kiến thức về kiến trúc mà anh học hỏi được; anh nguyên là cán bộ Viện Thiết kế công trình Hà Nội.

Sức khỏe&Đời sống trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số bức ảnh trong bộ ảnh Ngõ Phố cổ của anh. Qua đó chúng ta hiểu thêm được về lịch sử, văn hóa và cuộc sống ở bên trong những con ngõ mà ngày thường có thể chúng ta đã lướt qua rất nhanh.

Ngõ Gia Ngư là một ngõ thông từ phố Đinh Liệt ra phố Hàng Đào. Ảnh được chụp đêm mùng 1 Tết, trời mưa. Cái vắng tanh khác hẳn với vẻ náo nhiệt, lúc nào cũng người chen người của một con ngõ buôn bán quần áo, phụ kiện các loại, rất quen thuộc với người dân Thủ đô.

Ngõ Trung Yên nhìn ra phố Đinh Liệt. Phía sau ảnh có một ngõ cụt. Ngày bé anh Bảo học vẽ ở Trường Mỹ thuật dân lập trong ngõ này. Là cổng sau của nhà tư sản lớn Quảng Thái, có khu vườn bonsai rất đẹp. Hiện giờ khu vườn này do Nhà nước quản lý, cây cối vẫn rất đẹp. Từ trong ngõ có lối đi thông ra nhà chính của gia đình nhà tư sản Quảng Thái ở phố Hàng Bạc. Ngõ Trung Yên thông ra chợ Hàng Bè.

Ngõ Hàng Chỉ thông ra ba phố: Hàng Hòm, Hàng Quạt, Hàng Gai. Ngã ba của ngõ có một cái giếng cổ. Giếng này trong vắt, đến tận bây giờ dân ở đây vẫn dùng nước giếng hàng ngày. Từ năm 60 của thế kỷ trước, cậu học trò Nguyễn Hữu Bảo do học cơ sở hai của Trường Trí Tri là một dãy nhà cấp 4 ở trong ngõ, đã thường qua cái giếng này. Về sau đọc sử mới hiểu những giếng cổ có từ thời Hà Nội chưa có máy nước. Hàng Đào hiện giờ còn 2 giếng cổ. Các giếng cổ là dân trong Kẻ Chợ tự đào để lấy nước, còn dân vùng ven thì lấy nước sông Hồng về đánh phèn để dùng. Về sau Pháp mới làm nhà máy nước.

Từ góc này của Ngõ Huyện, nhìn ra căn nhà mang đậm tính nghệ thuật của họa sĩ Lê Thiết Cương. Ngõ có nhiều ngóc ngách, ngày xưa rất tồi tàn, nay đã trở thành ngõ du lịch, gồm toàn quán ăn Tây và khách sạn mini.

Ngõ Phất Lộc cũng thuộc dạng... trận đồ bát quái, thông ra ba phố: Trần Nhật Duật, Lương Ngọc Quyến, Hàng Bè. Trong ngõ có đền thờ Phạm Thận Duật, “thị trưởng” đầu tiên của thành Thăng Long xưa. Hiện giờ dân xây nhiều nhà mới, san sát, đứng trên ban công hai nhà hàng xóm đối diện bắt tay nhau được.

Ngõ Hài Tượng thông ra phố Tạ Hiện và phố Lương Ngọc Quyến. Là ngõ công cộng nhưng ít ai biết. Ngõ nhìn bên ngoài thì to nhưng đi sâu vào cũng có đoạn chỉ có 80 phân. Từ trong ngõ có thể nhìn thấy một ngôi nhà cổ xây từ 1920 trên phố Tạ Hiện.


Nguyễn Hữu bảo
Ý kiến của bạn