Giả thuyết này mới đây đã được củng cố nhờ những bằng chứng mới, dựa trên cách Mặt Trăng phản ứng với lực hấp dẫn từ Trái Đất và Mặt Trời.
Giống như Trái Đất có thủy triều chịu ảnh hưởng từ lực hấp dẫn của Mặt Trăng và Mặt Trời khiến các đại dương dâng lên và hạ xuống theo chu kỳ, Mặt Trăng cũng chịu tác động của hiện tượng thủy triều này.
Tuy nhiên, thay vì những chuyển động rõ rệt của nước biển, Mặt Trăng trải qua những thay đổi tinh vi về hình dạng và lực hấp dẫn. Điều thú vị là phản ứng của Mặt Trăng trước những lực thủy triều này lại phản ánh rất nhiều về cấu trúc bên trong của nó.
Trong nghiên cứu mới, thay vì chỉ đo lường sự thay đổi của Mặt Trăng trong vòng một tháng như các nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu về các biến đổi của Mặt Trăng suốt cả một năm. Nguồn dữ liệu này đến từ sứ mệnh Phòng thí nghiệm Nội thất và Phục hồi Trọng lực (GRAIL) của NASA và tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt Trăng (LRO), cung cấp thông tin quý giá về cách Mặt Trăng biến đổi theo thủy triều.
Dựa vào những dữ liệu về sự thay đổi hàng tháng và hàng năm trong hình dạng và trường hấp dẫn của Mặt Trăng, cùng với những thông tin khác như mật độ trung bình, các nhà khoa học đã mô phỏng và tái tạo cấu trúc bên trong của Mặt Trăng.
Họ phát hiện ra rằng, khi thêm một lớp đá mềm hơn vào đáy lớp phủ của Mặt Trăng, việc tái hiện các phép đo trọng lực đã quan sát trở nên chính xác hơn. Điều này mở ra khả năng rất lớn về sự tồn tại của một lớp vật liệu nhớt nằm sâu bên trong Mặt Trăng.
Nhóm nghiên cứu còn đưa ra giả thuyết rằng, lớp nóng chảy này có thể được cấu tạo từ một vật liệu giàu titan gọi là ilmenit. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải, như nguồn năng lượng nào giữ cho lớp này ở trạng thái nóng chảy? Cần có thêm các nghiên cứu sâu hơn để xác định bản chất của lớp nóng chảy và cơ chế nào đang duy trì nhiệt độ bên trong Mặt Trăng.