Bến Tre: Nhiều hoạt động giúp người dân nâng cao sức khoẻ và chất lượng sống

13-12-2021 09:15 | Thời sự

SKĐS - Nhằm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, tỉnh Bến Tre đã liên tục tổ chức nhiều hoạt động nhằm huy động sự góp sức của người dân và doanh nghiệp trong vấn đề này.

Phát huy nội lực của người dân và doanh nghiệp

Vừa qua, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức lễ phát động Chương trình vận động phát huy nội lực của người dân và doanh nghiệp, trong việc nâng cao sức khỏe, sức đề kháng phòng, chống dịch bệnh và khởi động "Du lịch Vùng xanh xứ Dừa".

Chương trình này được thực hiện nhằm góp phần tạo được sức mạnh tổng hợp, phát huy tốt nội lực trong thực hiện mục tiêu kép "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội".

Dịch COVID-19 đang diến biến phức tạp trên thế giới và Việt Nam, bên cạnh các biện pháp như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc nước sát khuẩn,… việc bảo vệ bản thân bằng cách nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng là một trong những giải pháp quan trọng để phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh.

Bến Tre tuyên truyền giúp người dân nâng cao sức khỏe, sức đề kháng phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Quan điểm nhất quán của tỉnh Bến Tre trong phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế là bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng của người dân, phục vụ nhân dân

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Huy Hùng, Trường Đại học Y dược Thành Phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, tăng cường vận động thân thể tại nhà bằng các bài tập vận động phù hợp với sức khỏe và thể trạng của từng người sẽ giúp nâng cao hiệu quả hô hấp, sức đề kháng phòng, chống dịch. Chẳng hạn như bài tập thể dục "Vượt qua nỗi sợ COVID", với 7 động tác cơ bản có biên độ nhỏ hoặc vừa tập trung ở phần ngực, phần vai, tay, hỗ trợ hít thở tốt hơn phù hợp với nhiều người, nhiều độ tuổi… nhưng có tác dụng cải thiện sức khỏe cho người dân trong giai đoạn "thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre kêu gọi mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", góp phần nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật. Theo đó, mỗi người cần tự lựa chọn cho mình một số môn thể theo phù hợp với điều kiện sống và làm việc để nâng cao sức khỏe cá nhân; tích cực tham gia tập luyện thể dục, thể thao, xây dựng lối sống và môi trường văn hóa, lành mạnh…

Ngoài ra, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các sở, ngành, các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp duy trì tổ chức thường xuyên các giải thể thao quần chúng hằng năm. Qua đó, khôi phục và phát triển các loại hình thể thao dân gian, dân tộc, thu hút ngày càng nhiều số lượng người tham gia thi đấu, tạo khí thế vui tươi, sôi nổi, đoàn kết toàn dân trên địa bàn.

Đây là một trong những giải pháp thích ứng linh hoạt với tình hình dịch COVID-19, đồng thời góp phần nâng cao sức khoẻ nhân dân theo tình thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.

Bảo đảm an sinh xã hội

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành "Đề án thí điểm về đảm bảo an sinh xã hội tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn năm 2030". Đề án được triển khai nhằm đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là người nghèo; giúp các đối tượng tiếp cận tốt các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đúng như tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, mục tiêu chính của đề án là đến năm 2025, tỉnh cơ bản thực hiện được "mục tiêu kép" chăm lo tốt cho gia đình chính sách và giảm nghèo bền vững; đảm bảo an sinh xã hội cho 100% đối tượng bảo trợ xã hội. Tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 4.000 tỷ đồng; trong đó, tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ hơn 3.500 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 231 tỷ đồng, còn lại là vận động xã hội hóa và đóng góp của hộ gia đình.

Riêng đối với nhóm chỉ tiêu chung về đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%. Bình quân mỗi năm tỉnh giải quyết việc làm cho 20 ngàn lao động; trong đó, khoảng 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỉnh phấn đấu tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 30% và tham gia bảo hiểm tự nguyện 28% so với lực lượng lao động…

Để thực hiện có hiệu quả nội dung đề án, tỉnh tổ chức triển khai, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo phát triển sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Tỉnh triển khai đầy đủ, kịp thời chính sách trợ giúp xã hội theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ cho các nhóm bảo trợ xã hội như: trẻ em mồ côi mất nguồn nuôi dưỡng, trẻ em con hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật… trên địa bàn. Tỉnh ban hành chính sách đặc thù riêng hỗ trợ các nhóm đối tượng khó khăn đảm bảo an sinh xã hội.

Cùng với đó, tỉnh thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình việc làm, đa dạng các hoạt động truyền thông, tư vấn giới thiệu việc làm; đồng thời, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên, phụ nữ, người khuyết tật… và đảm bảo một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân.


Nét văn hoá dân tộc


Minh Thu
Ý kiến của bạn