Mỗi người Việt chúng ta hôm nay, kể cả những người đang sống trong building ngất nghểu hay trong các biệt thự sang trọng hoặc ở trời tây viễn xứ... thì đều có gốc gác ở làng. Bất cứ ai, khi tết đến xuân về hoặc tháng lễ hội mà chả rưng rưng thổn thức, chả mang mang hồi tưởng về làng. Đi xa càng nhớ làng, nhớ đến quắt quay, đến mụ mị. Thì một chút chuyện vui dạng Bút Tre về làng may chăng dịu bớt đi nỗi nhớ để mà rồi thương làng hơn nữa.
Ảnh: Khiếu Minh |
Câu thơ tả làng “hoành tráng” nhất cho đến bây giờ, theo tôi là câu tương truyền của Bút Tre. Nó nổi tiếng như những câu thơ nổi tiếng nhất, được nhiều người thuộc như những câu hay nhất trong nền thơ Việt Nam (!):
Vô cùng ngoạn mục và đầy chất kỹ xảo điện ảnh. Thì chả phải ư? Trên một bến sông, một khách lữ hành uể oải ngồi sau mui thuyền, và khi nó dịch đít để sang bờ thì trời ạ, cả một cái làng bỗng hiện ra, xanh tươi và ấm áp. Tôi đồ chừng đây là một buổi chiều cuối năm. Trong làng đang rộn rã tiếng động của các việc chuẩn bị đón giao thừa: Lợn hiền lành lên bệ, cá ngoan ngoãn vào nơm, bánh chưng thổn thức vào nồi, các bà các cô vào bếp, các cụ vào mâm và con đò muộn đưa lữ khách về nhà sau bao ngày bôn ba. Nhà thơ dùng phương pháp "tả chân" khi nhìn về cái làng thân yêu của mình. Và tôi cũng đồ chừng, vài ngàn năm nữa khi tất cả làng đã thành phố phường thì cái "làng" sau đít con đò kia vẫn còn tồn tại một cách bề thế và đoan trang.
Ở làng, các cụ đặt chuyện dựng vợ gả chồng rất cao, bởi nó rất quan trọng. Các cụ dạy: Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống. Thế mới biết sự quan trọng của tông và giống. Các cụ cũng dạy: Trai khôn tìm vợ chợ đông/ gái ngoan tìm chồng ở chốn ba quân. Quả là một cách kén vợ chọn chồng tinh tường và đầy kinh nghiệm. Thế mà chả biết có ai cải biên câu này thành: Trai khôn chọn vợ... đặt vòng/ Gái ngoan lấy chồng... thắt ống dẫn tinh. Ô hô. Vô cùng ngoạn mục, các cán bộ dân số kế hoạch hoá gia đình chăng? Bút Tre chăng? Dân gian chăng?... Chỉ biết rằng, tự nhiên, nhiều người chỉ đẻ hai con đúng tiêu chuẩn, và việc thắt, việc đặt tăng phần trăm lên vù vù? Có hẳn một bài chèo về việc đặt này được nhiều đội văn nghệ quần chúng dựng biểu diễn, tôi chỉ nhớ mang máng, hình như là điệu cách cú: Chiếc mũ tử cung, tính tinh tinh tinh tình tinh tinh, chiếc mũ tử cung, mềm như múi mít, đặt vào rất thích, đặt vào khít rịt, tha hồ mà ríu rít... Nhà văn Nguyễn Đức Thọ khi còn sống hát bài này rất hay và còn được một xã mời về tập cho đội văn nghệ. Và cũng nghe nói xã ấy cuối năm đạt vượt mức chỉ tiêu sinh đẻ có kế hoạch?...
Tương truyền cụ Cao Bá Quát một lần nghe bẩm báo lý trưởng làng nọ bày chuyện đúc tượng voi để biển thủ vàng, cụ bèn ứng tác bốn câu dán ngay... đít voi cảnh cáo khiến lý trưởng sợ mất mật:
Làng kia có đúc một ông voi
Đủ cả đầu đuôi đủ cả vòi
Chỉ có cái kia sao chẳng thấy
Hay là lý trưởng bớt đi rồi?
Ông Bút Tre (?) cũng có bốn câu ca ngợi vấn đề hăng say lao động của nhân dân làng ông:
Đầu làng ta có quả núi Voi
Đủ cả đầu đuôi đủ cả vòi
Voi cũng như người... hăng sản xuất
Đầu thì trồng lúa, đít ngô khoai...
Tính chất động viên cổ vũ đậm đặc sự miêu tả chi ly hiện thực khiến chúng ta... dễ thuộc và hăng hái sản xuất... như voi.
Đi về các làng quê, rất hay gặp câu khẩu hiệu này được nắn nót kẻ trên tường, trên cót, trên cả nong nia giần sàng: Sức khỏe quý hơn vàng/ Sạch làng tốt ruộng. Dù nó chả liên quan gì đến nhau giữa 2 vế, nhưng chỉ bằng hai câu khẩu hiệu ngắn gọn, ba vấn đề lớn ở nông thôn được đúc kết, dễ nhớ, dễ nhập tâm, ghi nhớ để làm theo.
Trong chúng ta chắc không ai không biết một trong những bài hát về làng rất hay của nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo là bài "Làng Quan họ quê tôi" (anh Tạo còn rất nhiều bài hát về làng hay như: "Làng tôi bên dòng Ô Lâu", "Đôi mắt đò ngang", "Về bến sông quê"...), nhưng ít ai biết anh Tạo có lời hai cho bài "Làng quan họ" nữa. Ấy là cái thời nghèo, không có tiền, mà lại không được uống rượu gạo vì bị cấm... Lời hai nó như thế này: Làng quan họ quê tôi/ tháng giêng không nấu rượu/ tháng hai không có tiền/ ba tháng liền anh đành bia hơi/ ba tháng liền anh đành bia khai (là loại bia lên men vi sinh mà dân ghiền gọi là bia... lên cơn, bia khổ, khai mù).
Các cán bộ văn hoá xã rất thích trước mỗi tiết mục biểu diễn văn nghệ quần chúng có phần "đề dẫn". Đây là lời đề dẫn tôi ghi được trong một đợt đi thực tế dài ngày về làng:
Ngày xưa cối nhỏ chày to
Bây giờ no ấm, cối to hơn chày
sau đây là bài hát "Tiếng chày trên Sóc Bom Bo" do đội văn nghệ thôn 4 trình bày.
Và đây nữa: Có hai con dê, một con dê trắng, một con dê đen cùng qua một chiếc cầu, nhưng không con nào chịu nhường con nào. Chúng bèn húc nhau và cả hai con đều lăn xuống mương. Nhưng lạ thay, không con nào bị ướt. Tại sao vậy. Bởi vì: Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua/ chỉ có nắng mùa hè nóng bỏng...
Chao ơi là làng. Tôi ra đi từ làng. Mẹ tôi vẫn ở làng dù suốt thời gian công tác bà ở thành phố, nhưng khi về hưu bà cương quyết về làng. Hàng năm tôi vẫn tìm cách về làng, hàng ngày vẫn phóng xe ra ngoại thành. Một chút khói lam chiều thôi, mà sao khó kiếm giữa thành phố nghìn nghịt người. Những câu chuyện vui trên kia, may chăng là một chút khói chiều trong khu bếp tiện nghi xanh lè lửa ga chiều nay...
Văn Công Hùng