Thuộc huyện Tuy An (Phú Yên), từ ngày hình thành, tạo hóa đã ban cho đầm Ô Loan những sản vật chứ danh, tạo nên cuộc sống sung túc, tựa nhau vượt qua mọi dông bão. Có lẽ, cũng bởi vậy nên đặc tính con người nên đây cũng làm lưu luyến người qua lại.
Gửi tình yêu vào đầm
Khó lý giải rành mạch nhưng mỗi lần trở về đầm Ô Loan, ông Nguyễn Văn Cư, một trong những người già gắn bó với vùng đất này hơn nửa thế kỷ lại thấy như trẻ ra. Ông Cư trải lòng: Mình vào Tuy Hòa sinh sống và trị bệnh tai biến nhưng nhớ Ô Loan quay quắt. Nhớ nhất là những bình minh trong lành, có cảm tưởng như các cư dân bên đầm Ô Loan sống chậm nhất dải đất Nam Trung Bộ. Ai đến cũng được đón nhận, yêu thương, cũng xem đây là nơi có môi trường sạch nhất.
Hiếm có đầm nào độc đáo như Ô Loan, thuở sơ khai đã đón nguồn nước ngọt từ Kỳ Lộ chảy đến. Theo sự biến chuyển của thời gian, những kênh nhỏ rộng dần ra dẫn nước mặn từ biển Đông qua cửa Lễ Thịnh nhập vào. Quyện hòa giữa hai dòng nước ấy nên tất cả các loại thủy, hải sản trong đầm đều có nét khác biệt. Trong các sản vật tôm, cua, cá, ghẹ, sứa, hàu thì sò huyết như một “đại sứ” đặc trưng của Phú Yên.
Sinh trưởng tự nhiên nên sò huyết ở đây ngọt, dày và bổ dưỡng gấp nhiều lần nơi khác. Luôn nhắc các thế hệ nối tiếp nhau trong làng Phú Sơn (xã An Ninh Đông) phải biết ơn đầm, ông Lê Văn Cảnh chia sẻ: Có thời đói quay quắt, con sò là nguồn dinh dưỡng chính giúp 5 xã, 10 làng quanh đầm có sức lực để tiếp tục chèo chống. Đùm bọc chở che, trong khó khăn tình người, ý chí và sức chịu đựng lại càng ấm áp.
Danh thắng đầm Ô Loan yên bình.
Qua đi những gian nan, sản vật trong đầm Ô Loan bốn mùa đầy ắp. Cạnh kề những làng mạc là các dãy núi trùng điệp như ôm ấp, chắn che. Cuộc sống dần sung túc, dân quanh đầm càng biết ơn vùng đất yên bình này.
Chiều muộn, cơn bão cuối mùa đi qua thả lại những làn mưa mỏng manh phủ kín mặt đầm như gợi lại bao xúc cảm. Lão ngư Lưu Huỳnh Tấn ở thôn Đồng Môn (xã An Hải) bồi hồi: “Chịu đựng những khắc nghiệt lại khiến lòng người quanh đầm rộng mở hơn. Lẽ sống ấy học được từ chính thiên nhiên nơi này. Ít năm trước, vào những dịp cuối năm, kẻ xấu hay bàn bạc nhau đi đe dọa, hăm he để được nhận mua các loại thủy hải sản của đầm Ô Loan giá rẻ nếu không sẽ phá hoại, sẽ tung các thực phẩm trôi nổi rồi gán ghép cho đầm Ô Loan. Người dân quây lại nhưng không đánh chửi, không nguyền rủa chỉ nhẹ nhàng lý giải cho đến tận khi kẻ xấu hiểu ra có những sung túc được tạo ra từ mồ hôi, nước mắt. Nếu thiếu thốn hãy cứ về Ô Loan mang theo mình tình yêu thiên nhiên thì ở lại đến bao lâu cũng được”.
Đã qua lâu lắm rồi những ngày thiếu điện với sự lập lờ của ngọn đèn dầu trong những căn nhà tôn tạm bợ giữa các lối đi trầy chật khi mưa bão kéo về. Giờ, làng mạc bên đầm Ô Loan đã “lột xác” như thị tứ. Vậy nhưng, từ những ngày “tận khổ” đến nay, tình yêu gửi vào từng dải đất, khoảnh đầm vẫn không thay đổi. Những con cua, cá, tôm, sò... chưa trưởng thành, nhất quyết không bắt. Sống bên đầm, trăm người như một, dẫu có lúc bụng quặn lại vì đói cũng nhất quyết không dùng bất cứ hình thức đánh bắt kiểu hủy diệt nào, đó là cách “giết đầm” cũng là bóp nghẹt chính tương lai của mình.
Nhiều khuya, cầm ly rượu trên tay với món ăn ngon vớt lên từ đầm Ô Loan, đối diện mặt nước xanh lấp lánh người làng Mỹ Phú và Phú Tân (xã An Hiệp) nghe trong lòng mình len lỏi tình cảm như là hàm ơn vùng đất, vùng đầm đã làm nên sự sống tươi vui, yên lành.
Ông Trần Văn Trung làng Mỹ Phú luôn tâm niệm: Chỉ có sự phá hoại và bạc đãi thiên nhiên của con người mới tạo nên những biến đổi theo hướng xấu đi của thời tiết, môi trường. Bởi vậy, hàng ngày mỗi cư dân nơi đây xem việc bảo vệ, giữ sự trong lành cho đầm Ô Loan là nghĩa cử, việc làm tự thân.
Các làng mạc quanh đầm luôn giản dị, mến khách.
Với các làng mạc quanh đầm Ô Loan, sự cần cù, dung dị được hun đúc từng ngày. Sợ đất “buồn”, trên các sườn dốc thoai thoải mọi sự hoang hóa, đá tảng, đá cục nhường chỗ cho các lúa, ngô, đậu, cà... Các sản vật từ đầm tuyệt đối sạch và an toàn thì các sản phẩm trên bờ cũng vậy.
Cùng nhau san sẻ
Cùng với sự cuốn hút của khung cảnh, đời sống thì nhiều người già quanh đầm Ô Loan vẫn lưu truyền nhau chuyện kể nhuốm màu kỳ bí rằng: Đồi cát lớn ở làng Đồng Môn (xã An Hải) chính là mả của Cao Biền. Tương truyền, Cao Biền là một danh tướng nổi tiếng đời Đường của Trung Quốc, có tài cưỡi diều giấy đi yểm bùa, phá long mạch ở những vùng đất, vùng biển yên lành, không cho nhân tài phát tiết. Trong những nơi Cao Biền nhắm đến có làng Đồng Môn nhưng ý đồ không tốt, dải cát Cao Biền toan yểm đã biến thành mả của y. Thế nên, người quanh đầm Ô Loan mới thuộc lòng câu ca: Cao Biền chết tại Đồng Môn/ Trên Sơn dưới Thủy, trời chôn Cao Biền.
Còn có một truyền thuyết khác là tiên nữ tên Loan chốn thiên đình cưỡi Ô Thước đi du ngoạn và đắm chìm trước vẻ đẹp sông nước ở Tuy An. Cũng đúng lúc chim Ô Thước mỏi cánh rã rời nên cả hai cùng chìm xuống, tạo nên tuyệt tác đầm Ô Loan như ngày nay.
Lịch sử mỗi vùng đất dường như đều bắt đầu từ truyền thuyết, chuyện kể hay những bị hùng. Sau này, người bên đầm Ô Loan còn thương nhớ người anh hùng Lê Thành Phương kiên trung, dũng cảm đối đầu với giặc dã, bằng cách đọc thuộc nhiều câu ca lưu truyền thế hệ này sang thế hệ khác: “Ô Loan nước lặng như tờ/ Thương người chiến sĩ dựng cờ Cần Vương/ Trải bao gối đất nằm sương/ Một lòng vì nước nêu gương anh hùng”.
Buổi sáng, trong âm thanh bán mua của chợ quê, người làng Tân Quy, Xuân Hòa (xã An Hải) tâm tình với nhau rằng, mọi truyền thuyết như một gia vị của cuộc sống để con người thấy yêu hơn vùng đất này.
Ba đời gắn bó với nghề chài lưới, bà Nguyễn Thị Lê ở làng Xuân Hòa bộc bạch: Thần thoại hay truyền thuyết về mỗi vùng đất thì nhiệm vụ của người đi trước kể cho người đi sau. Nhưng với các làng mạc quanh đầm Ô Loan kể xong chúng tôi còn phân tích cho thế hệ trẻ của làng hiểu rằng: Ông Cao Biền có ý đồ không tốt nên nhất định không được học theo. Với tiên nữ Loan cưỡi chim Ô Thước tạo ra đầm với nhiều sản vật quý thì hàng ngày phải biết trân trọng, bảo vệ nguồn lợi ấy. Đó chính là nguồn sống cả trong hiện tại cũng như tương lại. Còn với những bài hát, bài ca dao ca ngợi anh hùng Lê Thành Phương thì luôn đọc lại để lớp trẻ khắc ghi công trạng của ông, phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước.
Sò huyết đầm Ô Loan nức tiếng cả nước.
Không chỉ có cách lý giải sáng tạo, đối đãi với đầm Ô Loan như một sinh thể đặc biệt mà những cư dân quanh đầm mặc định cách sống xem mất mát của người khác như của chính mình.
Không nhớ nổi đã bao đêm trắng chằng chống nhà cửa cho xóm giềng khi bão về, anh Trần Văn Túc ở xã An Hải vui tươi: Ở đây, người có sức giúp người yếu. Nhà nhiều người giúp nhà neo người. Có những trận bão lớn, nhiều du khách đến thăm quan đầm Ô Loan không về phố kịp ở lại nhà dân được mọi người coi như chính người thân của mình, chăm lo rất chu đáo. Ngay cả những chuyến xe vãng lai chưa kịp đến nơi an toàn khi gặp thời tiết xấu, người dân nơi đây cũng sẵn lòng lao vào cứu giúp. Cũng có những đoàn y, bác sĩ đi khám bệnh từ thiện tình cờ đến các xóm làng bên đầm Ô Loan rồi lưu luyến, quay lại mãi.
Trải qua nhiều lần hoạn nạn, sự cảm kích như còn vẹn nguyên đối với bà Nguyễn Thị Thêu ở xã An Hải. Bà Thêu tâm tình: “Không lâu trước, bão làm cho mấy người trong gia đình bị nạn, sau đó ít ngày đoàn từ thiện Tâm Việt do nhiều nhân viên y tế từ TP.Hồ Chí Minh về họ đến từng nhà, chăm bẵm, hỗ trợ rửa ráy vết thương cho từng người. Sau đó còn phát tặng thuốc bổ cho người dân rất nhiều. Mình nghiệm ra rằng, không làm gì ảnh hướng đến thiên nhiên, ai đến thăm quan đầm Ô Loan cũng đón tiếp chân tình, nồng ấm thì ấn tượng của khách xa gần hiển nhiên mà thắm thiết”.