Belarus mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam

23-06-2022 08:18 | Quốc tế
google news

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Belarus tại Việt Nam Borovikov cho biết Belarus coi Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên theo hướng châu Á và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược.

Belarus mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam - Ảnh 1.

Người tiêu dùng Belarus quen thuộc với nhiều sản phẩm hải sản của Việt Nam. Trong ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu tại công ty Cafatex - Hậu Giang. (Ảnh: TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, ngày 22/6, trong bài phỏng vấn dành cho hãng thông tấn BelTA, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Belarus tại Việt Nam Vladimir Borovikov khẳng định Việt Nam đã đạt được những thành công ấn tượng trong phát triển kinh tế-xã hội trong 30 năm gần đây.

Belarus coi Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên theo hướng châu Á và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược.

Trong bài phỏng vấn, Đại sứ Borovikov nhấn mạnh hai nước có mối quan hệ gắn bó lâu đời bắt đầu phát triển từ thời Liên Xô, năm nay đánh dấu kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Belarus-Việt Nam.

Nhà ngoại giao này bày tỏ hy vọng trong năm nay có thể tổ chức chuyến thăm của Thủ tướng Belarus tới Việt Nam, đây sẽ trở thành một giai đoạn mới trong sự phát triển của quan hệ giữa hai nước.

Đại sứ Borovikov khẳng định hai nước có rất nhiều điểm chung, nhân dân Việt Nam, cũng như nhân dân Belarus có lịch sử hào hùng chống xâm lược trong suốt chiều dài lịch sử của mình.

Theo quan chức ngoại giao Belarus, thành tựu chính trong quan hệ song phương là việc gìn giữ tình hữu nghị chân thành giữa người Belarus và người Việt Nam.

Ông Borovikov cho biết: “Hơn 30 năm trôi qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Belarus, Việt Nam đã đạt được những thành công ấn tượng trong phát triển kinh tế-xã hội. Belarus coi Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên theo hướng châu Á và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược.”

Theo Đại sứ Borovikov, quan hệ Belarus-Việt Nam ngày nay có những động lực tích cực, kim ngạch thương mại lần đầu tiên sau nhiều năm vượt 200 triệu USD.

Xe ben tải trọng lớn BELAZ, xe tải MAZ, xe đầu kéo “Belarus” đã được biết đến tại Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua.

Nhiều người Việt Nam hoài niệm về chiếc xe máy Minsk huyền thoại, người tiêu dùng Belarus đã quen thuộc với các mặt hàng truyền thống của Việt Nam như lụa, hải sản, chè, càphê.

Thời gian gần đây, sản phẩm vi mạch, thiết bị điện tử của Việt Nam mang thương hiệu “Made in Vietnam” đã được nhiều người biết đến. Nguồn cung trái cây Việt Nam có nhiều tiềm năng ở thị trường Belarus.

Đại sứ Borovikov khẳng định sẽ tập trung vào việc phát triển các mối quan hệ kinh tế, chủ yếu trong hợp tác công nghiệp, thành lập các liên doanh và nhà máy lắp ráp, và cải thiện mạng lưới phân phối hàng hóa.

Ông đánh giá Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu và Việt Nam đã tạo thêm động lực thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước phát triển.

Việc dỡ bỏ các rào cản đã giúp các sản phẩm sữa có chất lượng cao và đa dạng về chủng loại của Belarus có thể thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Đại sứ lưu ý rằng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, khoa học đang được tăng cường và mối quan hệ trực tiếp giữa các trường đại học của hai nước cũng đang phát triển.

Trong khả năng có thể, Đại sứ quán sẽ cố gắng hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học của Belarus thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác Việt Nam.

Mới đây, Học viện Âm nhạc Nhà nước Belarus và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác, tạo triển vọng phát triển mối quan hệ.

Ngoài ra, các lĩnh vực hợp tác văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân cũng đang được đẩy mạnh. Hai bên đang tích cực xem xét khả năng mở đường bay thẳng để tạo điều kiện thúc đẩy giao thương và du lịch.

Đại sứ Borovikov bày tỏ tin tưởng những triển vọng hợp tác to lớn đang rộng mở trước mắt và tình hữu nghị truyền thống, chân thành của nhân dân hai nước là nền tảng để xây dựng quan hệ Belarus-Việt Nam phát triển năng động hơn nữa.

Phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả với các tư vấn của chuyên gia


theo TTXVN
Ý kiến của bạn