Hà Nội

Bedaquilin - Hy vọng cho bệnh nhân lao kháng đa thuốc

22-05-2014 20:00 | Dược
google news

SKĐS - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 1/3 dân số thế giới đang mang trực khuẩn gây bệnh lao. Hàng năm, khoảng 9 triệu trường hợp phát bệnh

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 1/3 dân số thế giới đang mang trực khuẩn gây bệnh lao. Hàng năm, khoảng 9 triệu trường hợp phát bệnh và từ 2 - 3 triệu người tử vong vì bệnh này, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Trong khi đó, khoảng 300.000 ca bệnh lao mới đã tỏ ra kháng thuốc chống lao hiện có và tình trạng này đang ngày càng tăng.

Ưu thế của bedaquilin

Bedaquilin (tên thương mại sirturo) là một thuốc chống lao nhóm diarylquinolin, được tìm ra bởi một nhóm các nhà khoa học do Koen Andries đứng đầu ở Công ty dược phẩm Janssen Pharmaceutica. Đây là thuốc chữa lao mới đầu tiên được nghiên cứu, thử nghiệm sau suốt 40 năm qua kể từ sự xuất hiện của thuốc chống lao rifampine được bào chế vào năm 1963. Điều đặc biệt là nó được chứng minh có khả năng điều trị lao kháng đa thuốc - một vấn đề nhức nhối hiện nay khi bệnh lao đang có xu hướng gia tăng với những hình thức rất khó điều trị và tốn kém về tiền bạc.

Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: TM

Bedaquilin đã mang lại nhiều hứa hẹn mới trong việc chống bệnh lao - căn bệnh giết nhiều người nhất trên thế giới và chỉ đứng sau bệnh AIDS - sau những kết quả khả quan từ những thí nghiệm trên chuột. Cuộc thí nghiệm do Tập đoàn dược phẩm Johnson and Johnson thực hiện với sự tham gia của nhóm nghiên cứu Bỉ, Pháp và Thụy Điển. Bedaquilin tác động tới bơm proton của phân tử ATP synthase (đây là phân tử chuyên tổng hợp ATP là năng lượng cho vi khuẩn hoạt động), làm vô hiệu hóa phân tử này. Cơ chế này không giống với các thuốc nhóm quinolon là thuốc tác động vào DNA gyrase (là enzyme cắt DNA). Cũng đã có các thuốc nhóm quinolon ức chế quá trình phân chia của trực khuẩn lao đã được sử dụng từ lâu như levofloxacin hay ofloxacin. Tuy nhiên, sự phát hiện ra bedaquillin được coi là niềm hy vọng cho bệnh nhân lao kháng đa thuốc hiện nay.

Theo nhóm nghiên cứu, thuốc này có tác dụng vô hiệu hóa chất enzyme cho phép trực khuẩn lao phát sinh năng lượng hoạt động cần thiết, đồng thời đi đến việc phá hủy chất enzym này. Nhà khoa học Hans Koen Andries cho biết, loại thuốc mới kết hợp với hai loại kháng sinh isoniazide và pyrazinamide sẽ tập trung trong phổi và các cơ quan lây nhiễm trực khuẩn bệnh lao để tiêu diệt chúng. Đây là cơ chế hoạt động khác với 3 loại thuốc chống lao hàng 1 bao gồm rifampine, isoniazide và pyrazinamide, được kết hợp trong điều trị bệnh lao từ trước tới nay. Sau 1 tháng điều trị bằng các kháng sinh này, thời gian điều trị bệnh ở chuột thí nghiệm giảm đi 2 lần so với phương pháp điều trị hiện nay. Ngoài ra, một trong những tiêu bản thí nghiệm cho thấy trực khuẩn đã hoàn toàn biến mất sau 2 tháng điều trị.

Trực khuẩn lao đã kháng lại rất nhiều loại thuốc.

Một số lưu ý khi dùng thuốc

Bedaquilin được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2004 tại Hội nghị Liên khoa học về Kháng sinh và Hóa trị liệu (ICAAC), sau một quá trình nghiên cứu kéo dài 7 năm. Một trong những nghiên cứu lâm sàng đầu tiên của bedaquillin là một thử nghiệm pha II với 47 bệnh nhân, đã cho thấy thuốc có tác dụng giảm thời gian từ lúc phát hiện được lao trong đờm tới lúc cấy đờm không còn trực khuẩn lao. Một thử nghiệm pha II tiếp theo đã được công bố vào năm 2010, được tài trợ bởi Hãng Tibotec và Tổ chức TB Alliance. Thuốc được sản xuất bởi Tập đoàn Johnson & Johnson (J&J), Tập đoàn đã được FDA phê chuẩn nhanh cho thuốc này, một dạng chấp thuận tạm thời đối với các bệnh thiếu các lựa chọn điều trị khả thi khác. Bằng cách đạt được chấp thuận tạm thời đối với một thuốc điều trị cho một bệnh bị lãng quên như bệnh lao, bây giờ, J&J có thể thúc giục FDA xem xét loại thuốc này trong tương lai để đưa vào thị trường dược phẩm như là một thành tựu mới trong công cuộc chống lao. FDA đã chính thức phê duyệt thuốc này để điều trị lao như là một phần của chương trình phê duyệt nhanh chỉ áp dụng với lao đa kháng thuốc.

Tuy nhiên, hiện nay, vẫn có một số tranh cãi xung quanh việc phê duyệt thuốc như là phán quyết của FDA đã dựa trên một kết quả thay thế (cấy đờm) đi ngược với tỷ lệ tử vong. Trong các thử nghiệm lâm sàng ủng hộ việc phê duyệt, bệnh nhân uống bedaquilin có nguy cơ tử vong cao hơn mặc dù kết quả cấy đờm cho thấy trực khuẩn lao bị dung giải. Các tác dụng không mong muốn phổ biến nhất của bedaquilin trong nghiên cứu gồm nôn, đau cơ và ngực, đau đầu. Thuốc cũng bị cảnh báo hộp đen (là một loại cảnh báo trên bao bì của các thuốc dùng theo đơn) thể hiện là các nghiên cứu cho thấy thuốc có nguy cơ đáng kể ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc thậm chí đe dọa tính mạng, gây rối loạn nhịp tim và hội chứng QT kéo dài do chẹn kênh hERG (tên một kênh kali có vai trò trong hoạt động điện của tim).

DS. Nga Anh


Ý kiến của bạn