Không chỉ là âm thanh...
Beatbox có thể hiểu một cách đơn giản là bắt chước những âm thanh của nhạc cụ cổ điển hay hiện đại như: một dàn trống, tiếng DJ, các bộ gõ, tiếng nhạc và rất nhiều loại âm thanh khác. Khi ta giả một đoạn nhạc bằng miệng với nhiều âm thanh khác nhau thì có thể gọi đó là một đoạn beat.
Nhắc đến beatbox, hẳn là những ai đam mê môn nghệ thuật này sẽ nghĩ ngay đến Nguyễn Minh Kiên (nghệ danh M.K), là người đầu tiên tập beatbox tại Việt Nam. Bản thân anh chưa bao giờ nghĩ mình ở đỉnh cao, cũng không dám nhận là beatboxer số 1 Việt Nam. Nhưng người trong giới đều có thể thấy sự thành công và đóng góp của anh cho nghệ thuật beatbox Việt Nam nhiều đến thế nào.
Hiện nay beatbox mang nhiều ảnh hưởng tích cực trong đời sống của người trẻ tuổi.
Ngay từ lúc lên 6, Kiên đã biết bắt chước tiếng kêu các con vật và tiếng động trong phim, xem đó như một sở thích của mình. Đến năm lớp 6, Kiên bắt đầu bắt chước tiếng trống và những tiếng động trên sân khấu... Biết đây là một bộ môn đã tồn tại từ rất lâu trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, thầy, giáo trình hầu như không có nên Kiên chọn con đường duy nhất: tự tập. Trong một ngày định chuyển hướng, anh bỗng “sướng phát khùng” khi tình cờ phát hiện “lưỡi chỗ này..., răng chỗ này...” thì có thể phát ra tiếng “quá chuẩn”. Niềm đam mê bị kích thích với bí kíp nhỏ, Kiên bị “say” beatbox, anh tập trong lúc ăn, lúc ngủ, lúc học...
Việc quan sát hoặc thể hiện tình cảm, sắc thái biểu cảm của từng người cụ thể để có thể nhập vai một cách tốt nhất cũng giúp việc lắng nghe các âm thanh của đời sống trở nên tinh tế và có hồn hơn. Đó là những gì Kiên học được từ trường lớp chuyên môn. Theo Kiên, nếu muốn tập beatbox, người chơi cần có khả năng bắt chước tiếng động và cảm nhận, nắm bắt nhịp nhạc thật tốt, nghe thật nhiều và bắt chước những đoạn beat đơn giản, sau đó tập những âm cơ bản.
Dù chưa được công nhận là môn nghệ thuật chính thống, nhưng beatbox vẫn mang đến nhiều ảnh hưởng tích cực trong đời sống của những người trong giới. Giống như mọi yếu tố khác của hiphop, beatbox đem lại cho người chơi cảm giác tự do và “phiêu” - một beatboxer chia sẻ.
Lợi ích cuối cùng và cũng là ảnh hưởng quan trọng nhất của beatbox chính là những “kỹ năng mềm” mà bạn sẽ có được khi tập. Trong thời gian bạn đến với beatbox, bạn sẽ nhận được bài học: thành công không dễ dàng vươn tới. Bạn sẽ phải cố gắng liên tục để bảo vệ chính niềm tin của mình với những người xung quanh. Cho đến khi bạn có thể bước lên sân khấu biểu diễn, cũng chính là lúc mọi người ghi nhận sự cố gắng của bạn và bạn cũng nhận ra mình đang trưởng thành hơn nhờ những giá trị từ chính bản thân mình.
Beatbox có thể vươn xa?
Những năm gần đây, một số cuộc thi về beatbox cũng đã được tổ chức ở Việt Nam. Đây được đánh dấu một bước đệm và là một sự khuyến khích không nhỏ cho các beatboxer tại Việt Nam. Kể từ khi xuất hiện, beatbox đã tạo nên một “cơn sốt” dành cho nhiều bạn trẻ Việt. Nhưng phải chờ đến Z20, beatbox mới có một sân chơi đúng nghĩa dành cho các beatboxer trên toàn quốc. Tuy chỉ là một sân chơi “cây nhà lá vườn”, nhưng cuộc thi đã thu hút rất nhiều bạn trẻ đam mê beatbox tới tham dự. Ban giám khảo của cuộc thi cũng đều là những beatboxer kỳ cựu: Phong Teo, Tuấn SS, Nam Còi,...
Giới trẻ ở những thành phố lớn vẫn tiếp tục đam mê của họ với các cuộc thi beatbox toàn quốc được tổ chức hàng năm. Theo một cách rất tự nhiên và ngẫu hứng, beatbox đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống nghệ thuật của giới trẻ Việt.