Sáng 19/4, trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, một lãnh đạo Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận, cấp cứu một bệnh nhi 20 tháng tuổi uống nhầm chai dầu hỏa thắp đèn.
Trước đó, ngày 15/4, bệnh nhi V.H.V. (SN 2022, trú tại xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng ho nhiều, khó thở, suy hô hấp.
Theo lời kể của gia đình bệnh nhi, bố mẹ bé đi làm ăn xa, gửi hai con lại cho ông bà nội nuôi và chăm sóc. Sáng 15/4, trong lúc trông cháu, bà tranh thủ làm việc khác, trẻ tự chơi một mình và đi đến nơi bàn thờ Thần Tài ở góc nhà. Thấy có chai nước trên bàn, cháu liền lấy uống.
Thấy cháu ho và khóc lớn, bà nội chạy lên phát hiện cháu uống phải dầu hỏa liền kêu hàng xóm đưa cháu ra trạm y tế sơ cứu. Sau đó cháu bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa điều trị.
Tại đây, cháu bé được cấp cứu, súc rửa dạ dày và điều trị tích cực. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, rất may, trẻ được phát hiện sớm và đưa lên bệnh viện kịp thời. Đến thời điểm hiện tại trẻ đã ổn định và tiếp tục được cho theo dõi, điều trị theo phác đồ.
Bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện trẻ uống phải xăng/dầu hỏa và các loại hóa chất khác, người nhà cần bình tĩnh không la toáng lên, không nên vội hất mạnh chai nước vì như thế trẻ sẽ giật mình, khóc thét dẫn đến hít sặc.
Không cố móc họng để nôn ói chất độc ra khỏi cơ thể khiến hơi xăng, dầu có cơ hội xâm nhập nhiều hơn vào đường hô hấp cũng như sặc hóa chất, thức ăn vào đường thở.
Không cho trẻ uống chanh vì không có tác dụng gì, trái lại chanh làm kích thích dạ dày khiến trẻ dễ nôn ói, hít sặc gây viêm phổi và làm chậm trễ việc cấp cứu.
Không nên dùng chai từng đựng nước uống để đựng xăng dầu, hóa chất. Những chai nước suối, nước ngọt, trà xanh… sẽ làm trẻ lầm tưởng đó là nước, lấy uống sẽ rất nguy hiểm.