Bé trai phải cắt bỏ đoạn ruột do táo bón kéo dài
Bé trai 4 tuổi thời gian dài không tự đi tiêu được, phải dùng thuốc nhuận tràng hàng ngày kết hợp bơm hậu môn hoặc thụt tháo, bác sĩ phát hiện trẻ mắc bệnh Hirschsprung - phình đại tràng bẩm sinh.
Ngày 3/1, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết táo bón kéo dài ở bệnh nhân trên là do đoạn trực tràng sát hậu môn thiếu tế bào hạch thần kinh. Bệnh khiến trẻ ăn uống kém, suy dinh dưỡng, bụng trướng to do phân ứ đọng trong đại tràng.
Các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp đã phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột bệnh lý cho bệnh nhi. Sau mổ, trẻ tiêu hóa gần như bình thường, tình trạng suy dinh dưỡng cải thiện rõ rệt.
Táo bón là bệnh lý thường gặp ở trẻ em nếu không được xử trí kịp thời có thể để lại hậu quả như: kém hấp thu dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất, gây ra các bệnh khác về đường tiêu hoá, có thể gây viêm ruột nặng...
Các phương pháp chữa táo bón ở trẻ
Điều trị táo bón ở trẻ em có 2 phương pháp: điều trị nội khoa và ngoại khoa (điều trị phẫu thuật).
- Phương pháp nội khoa bao gồm:
Nếu là táo bón chức năng, nguyên nhân do trẻ nhịn không đi ngoài, chế độ ăn không phù hợp, ăn ít chất xơ, thiếu nước, ít vận động...
Mắc một số bệnh lý như: cường giáp, suy giáp, đái tháo đường, các bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh như bại não, chậm phát triển tâm vận…
Việc điều trị táo bón nội khoa bao gồm: thay đổi chế độ ăn, tập thói quen đi tiêu, uống nhiều nước, tăng cường vận động, nếu không đáp ứng có thể cho bé uống thuốc nhuận tràng, bơm hậu môn kích thích đi tiêu…
- Điều trị táo bón bằng phương pháp ngoại khoa bao gồm điều trị các bệnh thường gặp:
- Bệnh Hirschsprung (phình đại tràng bẩm sinh) làm mất dẫn truyền sóng nhu động ở đoạn ruột bệnh lý dẫn đến ứ phân và hơi bên trên táo bón dai dẳng phải thụt tháo hay sử dụng nhuận tràng, một lượng lớn phân có thể ứ đọng trong một tuần đến nhiều tuần, bụng chướng nhưng thể trạng gầy gò, chậm phát triển thể chất.
- Thiếu hụt bẩm sinh tế bào hạch thần kinh ở đại tràng dẫn đến đoạn ruột nhu động kém gây táo bón. Bệnh thường được phát hiện ở trẻ sơ sinh, nhũ nhi, đôi khi ở những trẻ lớn hơn.
- Các trẻ có tiền căn chặm tiêu phân su >24h sau sinh. Bất thường vị trí hậu môn (thường gặp: hậu môn tầng sinh môn trước).
- Táo bón kéo dài không đáp ứng điều trị nội, vị trí hậu môn bất thường... cũng được chỉ định phẫu thuật.
Cách phòng ngừa táo bón cho trẻ
Để giúp ngăn ngừa táo bón ở trẻ em, cha mẹ cần:
- Cho trẻ ăn thức ăn giàu chất xơ như: trái cây, rau, đậu, ngũ cốc nguyên hạt và bánh mì. Nếu trẻ không quen với chế độ ăn nhiều chất xơ, hãy bắt đầu bằng cách chỉ bổ sung vài gam chất xơ mỗi ngày để ngăn ngừa đầy hơi và chướng bụng. Lượng chất xơ được khuyến nghị là 14 gam cho mỗi 1.000 calo trong chế độ ăn của trẻ.
- Khuyến khích trẻ uống nhiều nước trong ngày.
- Thúc đẩy hoạt động thể chất. Hoạt động thể chất thường xuyên giúp kích thích chức năng ruột và tạo thói quen đi vệ sinh đúng giờ. Thường xuyên dành thời gian sau bữa ăn cho trẻ đi vệ sinh. Thật tốt nếu cung cấp một bệ để chân để trẻ có thể thoải mái khi ngồi trên bồn cầu và có đủ lực để tống phân ra ngoài.
- Nhắc trẻ chú ý cảm giác buồn đi tiêu. Một số trẻ em mải chơi đến mức bỏ qua nhu cầu đi tiêu. Nếu sự chậm trễ như vậy xảy ra thường xuyên, chúng có thể góp phần gây ra táo bón.
- Hãy ủng hộ, khen thưởng những nỗ lực của con. Cho trẻ những phần thưởng nhỏ khi cố gắng đi tiêu.
- Xem xét các loại thuốc. Nếu con bạn đang dùng thuốc gây táo bón, hãy hỏi bác sĩ về các lựa chọn khác. Các bậc phụ huynh cần lưu ý khi trẻ táo bón kéo dài cần đưa đến các bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị phù hợp để tránh các biến chứng.