Hóc dị vật là tai nạn khá thường gặp ở trẻ nhỏ. Mới đây, tai nạn hóc chả cá viên xảy ra với cậu bé 7 tuổi (Hưng Yên) khi đang ở trường học. Trong giờ ra chơi, cậu bé ra ngoài lớp ăn chả cá. Tai nạn xảy ra rất nhanh gây ngừng thở, ngừng tuần hoàn khiến cậu bé ngã vật ra.
Ngay khi phát hiện trẻ bị ngã, các cô giáo đã nhanh chóng thực hiện thủ thuật Heimlich đẩy dị vật ra, sau đó đưa trẻ đi cấp cứu. Bệnh nhi được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
Theo bác sĩ, có thể trẻ ăn trong lúc vội vàng, nhai nhồm nhoàm nên bị nghẹn. Sau khi nghẹn, bé lại vội uống sữa nên bị sặc, dị vật vô tình lọt vào đường thở. Các cô giáo đã thực hiện thủ thuật Heimlich khá tốt, dù vậy hiện trẻ vẫn hôn mê, phải thở máy.
Hóc chả cá viên khiến bé trai hôn mê, phải thở máy. Ảnh minh hoạ.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, hóc dị vật là một tai nạn có thể nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi dị vật lọt vào đường thở, cần được xử trí cấp cứu ngay lập tức vì khi trẻ bị ngừng tuần hoàn, oxy không còn lên não có thể khiến trẻ tử vong nhanh chóng.
Trong quá trình điều trị, các bác sĩ từng cấp cứu cho rất nhiều trẻ hóc dị vật. Các loại dị vật gây hóc rất đa dạng như đồ chơi, các loại hạt như hạt dưa, hạt hướng dưỡng, hạt nhãn, hạt vải… cho đến thực phẩm như thạch, trân châu, bột…
Các bác sĩ khuyến cáo, để hạn chế tối đa các dị vật đường thở, cha mẹ cần tránh để tiếp xúc với đồ chơi như kim băng, cúc áo, viên bi, đinh ghim… Không chơi đùa hay quát mắng trẻ, trẻ khóc, doạ trẻ khi ăn.
Đồng thời luôn căn dặn trẻ nhai kỹ, nhai chậm, không vừa ăn vừa nô đùa. Khi ăn các loại quả như nhãn, vải, chôm chôm, nho… cần hết sức chú ý để không bị hóc hạt. Ngoài ra cần đặc biệt lưu ý khi ăn các loại thạch rất dễ bị hóc.
Trước tiên phụ huynh cần phải thật bình tĩnh để đánh giá tình trạng của trẻ. Nếu nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở phải nhanh chóng tống xuất dị vật ra khỏi đường thở của trẻ bằng cách:
Vỗ lưng, ấn ngực (đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi): Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái và giữ chặt đầu và cổ bằng bàn tay trái. Dùng bàn tay phải vỗ năm cái thật mạnh vào lưng trẻ ở giữa khoảng hai bả vai. Sau đó lật ngửa trẻ lại, nếu thấy trẻ còn khó thở, dùng hai ngón tay trái ấn năm cái ở vùng nửa dưới xương ức hoặc dưới đường nối hai vú (lực ấn vừa phải). Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực (khoảng 5 - 6 lần) cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở.
Dùng thủ thuật Heimlich (đối với trẻ lớn): Đứng sau lưng trẻ, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ, nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức phía trên rốn. Ấn năm cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh. Có thể lặp lại 6 - 10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở.
Khẩn trương đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ chuyên khoa tiến hành cấp cứu lấy bỏ dị vật trong đường thở trẻ hoặc kiểm tra, phát hiện nguy cơ biến chứng như xẹp phổi, viêm phổi… để điều trị kịp thời.
Lưu ý: Khi trẻ bị hóc dị vật, tuyệt đối không cố dùng tay móc họng trẻ, vô tình gây kích thích phản xạ co thắt thanh quản, có thể làm dị vật vào sâu hơn, gây tắc nghẽn đường thở hoàn toàn hay có thể làm trầy xước, chấn thương vùng hầu họng của trẻ.