Bé trai đầu tiên được ghép tế bào tự thân chữa bạch biến, hồi sinh những "mảnh da non"

05-06-2020 06:51 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tự tin hơn với diện mạo mới sau 3 năm ngượng ngùng vì bệnh bạch biến, bé Nguyễn Công T. (7 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, điều đầu tiên con muốn làm là “được cắt một mái tóc đẹp như ý muốn”…

Mong ước tưởng như giản dị ấy nhưng với một em bé có vết trắng loang lổ trên trán “làm bạn” suốt nhiều năm, T. phải nuôi tóc mái dài để che đi khuyết điểm. Lần này, các y bác sĩ BV Da liễu Trung ương chính là người giúp con biến ước mơ đó thành hiện thực.

Bé T. cũng là trường hợp nhỏ tuổi nhất và là em bé đầu tiên tại Việt Nam được áp dụng phương pháp mới - ghép tế bào tự thân chữa lành bệnh bạch biến.

Bác sĩ chia sẻ về kỹ thuật mới đem đến hi vọng cho bệnh nhân bạch biến.

Cậu bé với vầng trán lốm đốm “hoa trắng”…

Gặp vợ chồng anh Nguyễn Công Quyết trong lần đưa bé T. đến tái khám tại BV Da liễu Trung ương ngày 4/6 sau 2 tháng được ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy chữa bệnh bạch biến, cả gia đình ai cũng lộ rõ vẻ vui mừng, phấn khởi. Bé T. nhanh nhẹn và luôn nhoẻn miệng cười tươi khi được hỏi về sự thay đổi của “dấu ấn” đặc biệt trên trán.

Mẹ T. kể, hồi tháng 7/2017 trên trán T. bỗng xuất hiện một số nốt nhỏ, lốm đốm như hoa giấy màu trắng và ngày càng lan rộng. Gia đình nghĩ con bị bệnh lang ben, cho con đi khám ở phòng khám tư rồi dùng thuốc nhưng không khỏi. Vết loang lổ ngày một rộng khiến bố mẹ lo lắng và xót xa hơn mỗi khi con hỏi “Sao con lại khác các bạn cùng lớp thế ạ?”. Thương con, vợ chồng anh tiếp tục đưa con đến một BV ở trung ương khám, các bác sĩ chẩn đoán T. bị bệnh bạch biến và điều trị ở đó khoảng 2 tháng.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi.

Đầu năm 2018, khi đến BV Da liễu Trung ương, tổn thương trên da của T. đã lan rộng xuống dưới mang tai, vùng quai hàm nhưng “nổi bật” nhất vẫn là vết tròn trắng chính giữa trán. ThS.BS Hoàng Văn Tâm - Phó Trưởng Khoa Điều trị nội trú ban ngày cho biết, anh rất ấn tượng với một bệnh nhân nhỏ tuổi có đốm da mất sắc tố tròn to trên mặt, màu trắng. Qua thăm khám, bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh bạch biến thể ổ và được điều trị nội khoa bằng thuốc bôi, sau đó áp dụng biện pháp ánh sáng (chiếu tia cực tím) nhưng tình trạng không cải thiện.

“Các biện pháp điều trị bạch biến đều được áp dụng nhưng bệnh nhân đáp ứng kém, hầu như không có biến chuyển gì nhiều. Thời điểm đó, chúng tôi đang nghiên cứu về biện pháp ghép tế bào thượng bì tự thân nên đã có sự tư vấn cho gia đình kiên trì chờ đợi phương pháp tối ưu cho cháu…”- BS. Tâm chia sẻ.

“Cứu cánh” cho bệnh nhi

BS. Tâm cho biết, sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng cả về trang thiết bị và nhân lực bằng việc cử các bác sĩ đi đào tạo tại nước ngoài, đến tháng 2/2020, BV Da liễu Trung ương đã có đủ những điều kiện cần thiết để tiến hành ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy chữa bệnh bạch biến. Đây là phương pháp dùng tế bào thượng bì gồm: tế bào hắc tố, tế bào gai, một số tế bào gốc của chính cơ thể mình ghép vào tổn thương bạch biến.

Đến nay đã có khoảng 100 trường hợp (trong đó có 10 bệnh nhân là trẻ em) được ghép thành công, kết quả đánh giá ban đầu sau ghép rất khả quan.

“Thông thường từ 6 tháng sau ghép trở đi mới thấy hiệu quả rõ rệt, các mảng da ghép đều màu cùng với vùng da xung quanh. Tuy nhiên, hiện có nhiều bệnh nhân cho kết quả rất tốt, chúng tôi đã có nghiên cứu đánh giá hiệu quả của phương pháp này trên người lớn và bắt đầu tiến hành ghép trên trẻ em”- BS. Tâm nói.

Hiệu quả tốt lên trông thấy sau khi ghép tế bào tự thân chữa bạch biến cho bé T.

Bé T. là em bé đầu tiên được ghép tế bào tự thân chữa bạch biến và đã có thay đổi trông thấy chỉ sau 1 tháng ghép. Chia sẻ về quá trình ghép, BS. Tâm cho biết, việc ghép cho trẻ nhỏ phức tạp hơn so với người lớn do trẻ chưa ý thức được nên sẽ khó hợp tác với bác sĩ.

Các bác sĩ đã tiến hành gây mê tĩnh mạch (với người lớn hoặc tổn thương nhỏ thì chỉ cần gây tê tại chỗ), sau đó lấy một miếng da nhỏ ở phía trước đùi trái của bé, tỷ lệ chỉ bằng 1/5 vùng cần ghép (khoảng 5cm). Miếng da này sẽ được đưa vào trong dung dịch, qua các công đoạn sẽ tách lấy tế bào thượng bì, nuôi dưỡng, đếm tế bào, rồi ghép vào vùng da bị bạch biến (vùng da này sẽ được bào mòn bằng tay hoặc dùng laser). Tế bào ghép vào được dùng gạc cố định lại và tháo ra trong vòng 1 tuần.

Thông thường bệnh nhân chỉ cần ghép 1 lần, tuy nhiên cũng có thể ghép hơn 1 lần để tăng hiệu quả cao hơn. Hiện nay ekip phẫu thuật ghép đã làm chủ được hoàn toàn kỹ thuật và hạn chế tối đa tác dụng phụ. BS. Tâm cũng khuyến cáo, để đạt hiệu quả điều trị cao, tốt nhất là kết hợp với điều trị bằng ánh sáng trị liệu. Sau điều trị, bệnh nhân có thể hoạt động và làm việc bình thường.

Có thể nói, kỹ thuật này được tiến hành chuẩn đầu tiên ở Việt Nam và cho hiệu quả cao, đem lại nhiều hy vọng cho người bệnh bạch biến. Hiện nay, chi phí điều trị phương pháp ghép này dao động từ 25-35 triệu tùy diện tích tổn thương, rẻ hơn nhiều so với thể giới (tại một số nước chi phí đến 200 triệu đồng một lần ghép).

Các trường hợp được chỉ định ghép:
- Bệnh nhân mắc bạch biến ổn định ít nhất 1 năm (trong vòng 1 năm bạn không có tổn thương mới nào hoặc tổn thương cũ không lan rộng).
- Không có hiện tượng Kobner: không xuất hiện tổn thương bạch biến ở vùng chấn thương.
- Không có tiền sử sẹo lồi do chấn thương.
Mỗi 1 bệnh nhân mất khoảng 2-4 tiếng để hoàn thành xong tất cả quy trình tùy vào diện tích tổn thương.
Các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ khi thấy con có các dấu hiệu bất thường trên da cần đến cơ sở chuyên khoa thăm khám ngay để phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời, tránh để lâu sẽ làm mất cơ hội điều trị cho con. Với bệnh bạch biến tuy không gây nguy hiểm ngay đến tính mạng nhưng một số người bệnh có tâm lý tự ti, số ít có thể rơi vào trạng thái trầm cảm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống - thậm chí có ý định tự tử.
Việc điều trị bệnh bạch biến là một quá trình lâu dài cần sự phối hợp kiên trì giữa bệnh nhân và bác sĩ. Người bệnh cần giữ vững tâm lý, tránh bi quan lo lắng làm bệnh diễn tiến nặng hơn.

Dương Hải
Ý kiến của bạn