Bé trai 5 tuổi rơi từ tầng 12 sống sót thần kỳ

22-07-2019 14:51 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - BSCK1. Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, Các bác sĩ bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp bé trai 5 tuổi bị trượt chân té ngã rơi từ tầng 12 xuống khuôn viên.

Theo lời người mẹ vẫn chưa hết bần thần kể lại, trong lúc chị đang bận làm việc nhà  tại chung cư trên đường Nguyễn Cữu Phú, quận Bình Tân, TP.HCM thì bé trai con chị, 5 tuổi, rất có thể đã trèo qua máy giặt ngoài ban công căn hộ trong lúc chơi đùa và xảy ra sự cố đáng tiếc.

Một nhân chứng thấy em rơi từ cao, xuống bụi cây hoa thấp, sau đó tiếp tục rớt xuống nền đất trồng cây. Mọi người chứng kiến hô hoán, có người biết bé sống ở lầu 12 nên lập tức gọi ngay mẹ bé xuống. Ngay khi phát hiện, bé được gia đình nhanh chóng chuyển đến ngay Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, cách hiện trường 10 phút di chuyển.

Tại khoa Cấp cứu, bé nhập viện trong tình trạng lơ mơ, da tái, chảy máu nhiều, gãy và biến dạng xương cánh tay, chân phải. Bé được bác sĩ nẹp băng cố định, diễn tiến tri giác không ổn định, bé được đặt ống nội khí quản thở máy, truyền máu, chống sốc ổn định sinh hiệu và nhanh chóng đưa đi chụp CT Scan đánh giá tổn thương toàn thân.

Rất may mắn, kết quả kiểm tra sơ khởi không cho thấy có chấn thương và xuất huyết ở ở não. Tuy nhiên, bé có chấn thương dập gan, dập phổi, tràn khí, tràn máu phổi phải, xuất huyết nội lượng ít, gãy thân xương cánh tay phải, gãy cổ và thân xương đùi 2 bên.

Phụ huynh cần cẩn trọng với những tai nạn có thể rình rập trẻ nhỏ.

Sau khi được điều trị tích cực, bé đã được rút ống cai máy thở, hiện bé tỉnh táo, da dẻ hồng hào nhưng gương mặt vẫn còn nét hoảng sợ. Bé tiếp tục được điều trị bảo tồn đa chấn thương, sắp tới sẽ bó bột tứ chi, phục hồi dần chức năng vận động và hỗ trợ tinh thần với các chuyên gia tâm lý tại bệnh viện.

ThS.BS Nguyễn Trần Nam, trực lãnh đạo đêm 18/7, điều phối chính ekip cấp cứu bệnh nhi đêm nhập viện, đã đưa ra những lời khuyên cho các gia đình có con nhỏ tại chung cư:  Trẻ nhỏ chơi một mình ở nhà cao tầng là rất nguy hiểm, trong khi trẻ nhỏ chưa có nhận thức về sự nguy hiểm và rất hiếu động hay leo trèo…

Thêm vào đó, việc nhiều người trồng lan, cây cảnh ở hành lang, để ghế đứng tưới nước, hoặc để máy giặt cạnh lan can, trẻ rất dễ trèo lên ghế, máy giặt, té,… rất nguy hiểm. Cần lắp đặt rào chắn lan can, cửa sổ, cất hết các đồ dùng có khả năng leo trèo được ở gần ban công, cửa sổ… để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Khi trẻ bị nạn, cần biết cách sơ cứu cơ bản: cố định nẹp cổ, chân tay và cách di chuyển bệnh an toàn. Quan trọng hơn, người lớn không được lơ là, phải luôn để mắt, quan tâm đến trẻ, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo các chuyên gia, mùa hè là mùa xảy ra nhiều tai nạn sinh hoạt, tai nạn thương tích cho trẻ em bởi đây là thời gian trẻ không đến trường, phần lớn thời gian là ở nhà hoặc đi chơi. Trong khi đó, nhiều phụ huynh lại không có thời gian chăm sóc, để ý đến trẻ, do đó trẻ dễ bị tai nạn thương tích nhiều hơn. Đa số trẻ bị tai nạn là do ngã từ trên cao xuống, ngạt nước, ngộ độc, điện giật, bỏng, bị vật nhọn đâm, động vật cắn…
Điều đáng lưu ý, tai nạn thương tích thường để lại hậu quả nặng nề cho trẻ em như tổn thương tại chỗ, tổn thương não có thể dẫn đến sống đời sống thực vật suốt đời, ngưng tim, ngưng thở và thậm chí tử vong. Ở lứa tuổi từ 2-12 tuổi, trẻ rất hiếu động, không có khả năng tự bảo vệ bản thân trước những mối nguy hiểm. Khoảng 70% các ca tử vong và 57% số ca bị thương của của trẻ dưới 2 tuổi có thể phòng chống được nếu người lớn cẩn trọng hơn.
Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần cẩn trọng với những tai nạn có thể rình rập trẻ, nhất là trong những ngày hè. Phụ huynh cần loại bỏ tối đa những vật có thể gây tai nạn nguy hiểm cho trẻ trong gia đình, thường xuyên để mắt, theo sát mọi hoạt động của trẻ; đồng thời cần giáo dục để trẻ biết những mối nguy hiểm có thể gây hại cho bản thân như tuân thủ luật giao thông, không được leo trèo, nghịch phá tổ ong, không đi bơi ở ao hồ, không đùa nghịch với lửa, rắn, vật nuôi…

Khánh Mai
Ý kiến của bạn