Bệnh nhi L.T.B. (5 tuổi, ngụ Bến Tre), người nhà bệnh nhi cho biết khi đang làm việc sau nhà, nghe con trai lớn báo bé B. vừa nuốt khối đồ chơi, đã tức tốc đưa con đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ tiến hành soi họng và thực quản bé kiểm tra nhưng không tìm thấy dị vật.
Nghe rõ tiếng thở rít trong khí quản, dự đoán dị vật đã rơi vào đường thở, các bác sĩ đặt ống giúp thở cho bé và chuyển ngay Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
TS.BS Trịnh Hồng Nhiên, Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết sau khi tiếp nhận bé, các bác sĩ đã lập tức chỉ định chụp X-quang nhưng không thấy rõ dị vật. Do hội chứng xâm nhập và bệnh sử quá rõ, các bác sĩ quyết định thực hiện nội soi phế quản để gắp dị vật ra.
Bé trai đã ổn định sức khỏe sau khi được các bác sĩ gắp dị vật ra khỏi đường thở. Ảnh: BSCC.
Tuy nhiên, điều khiến ê-kíp băn khoăn là bệnh nhi chỉ mới 5 tuổi, nội soi rất phức tạp. Phế quản của bé dễ co thắt khi có kích thích dễ gây suy hô hấp cấp trong quá trình nội soi.
Sau khi hội chẩn và thống nhất ý kiến, ê-kíp nội soi quyết định chọn phương án gây tê nhằm tận dụng ưu điểm dây thanh âm của bệnh nhi vẫn còn mở. Trong khi đó, nếu gây mê, dây thanh âm của bé sẽ khép lại, khi rút dị vật ra có thể gây tổn thương. Hơn nữa, bệnh nhi còn nhỏ, nếu sử dụng thuốc gây mê dễ có những tác dụng phụ không mong muốn.
“Tiến hành soi, ê-kíp ghi nhận phế quản trái của bệnh nhi có khối dị vật hình chữ nhật, nhấp nhô và gần như chắn kín lòng đường thở. Gắp ra khối nhựa lego và soi kiểm tra đường thở hai bên không còn thấy dị vật, ê-kíp thở phào nhẹ nhõm suốt gần nửa giờ đánh vật với sự giãy giụa do bị kích thích của bệnh nhi”, bác sĩ Nhiên chia sẻ.
Khối lego khá to 1x2cm được các bác sĩ gắp ra từ bệnh nhân.
Hiện, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, đang được theo dõi tại khoa Hồi sức tích cực và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Theo BSCK1. Nguyễn Cát Phương Vũ, gần đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận nhiều trẻ bị hóc dị vật từ hạt nhãn, đồ chơi lắp ghép, viên pin nhỏ trong đồ chơi, hạt dưa, hạt mãng cầu, rau câu, đậu phộng, hóc xương, hạt trân châu...Các bác cho biết nhiều bé được đưa đến bệnh viện cấp cứu, gắp dị vật kịp thời. Tuy nhiên, một số bé lại bị hôn mê, thậm chí tử vong do người nhà phát hiện muộn, sơ cứu sai cách làm trễ mất thời gian vàng cấp cứu.
Các bác sĩ lưu ý tất cả đồ chơi mà trẻ có thể cho vào miệng đều có nguy cơ trở thành dị vật. Trong khi đó, thời gian vàng để cấp cứu rất ngắn. Khi trẻ bị ngạt, chỉ cần 4 phút đã gây tổn thương thần kinh không hồi phục. Do đó, người lớn cần biết sơ cứu cho trẻ bị hóc dị vật tại nhà và đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Theo các bác sĩ, thời gian vàng để cấp cứu trẻ rất ngắn. Trong tình trạng trẻ bị ngạt thì chỉ cần 4 phút đã gây tổn thương thần kinh không hồi phục. Thời gian vàng để cấp cứu cho trẻ ngắn, người lớn cần biết sơ cứu cho trẻ bị hóc dị vật tại nhà. Ngoài ra, trong chương trình của học đường cũng nên hướng dẫn cho trẻ những cách đối phó với tình huống khẩn cấp.
Các bác sĩ lưu ý, tất cả những đồ vật mà trẻ có thể cho vào miệng thì đều có thể trở thành dị vật. Không chỉ riêng những loại trái cây mà tất cả đồ vật có thể đứt ra, rời ra đều có thể trở thành dị vật như cúc quần áo, trang sức của trẻ em, đồ chơi hay thức ăn..