Bé trai 3 tuổi suýt mất mạng do tiêu chảy cấp

01-06-2023 18:32 | Y tế

SKĐS - Quá trình khám, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ chuẩn đoán bé trai 3 tuổi bị sốc giảm thể tích do tiêu chảy cấp mất nước nặng; suy thận cấp; rối loạn điện giải; rối loạn toan kiềm và nguy cơ tử vong trong thời gian ngắn.

Đại diện Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, các bác sĩ của đơn vị vừa cứu sống bé trai N.N.T.M (3 tuổi, trú tại huyện Tiên Yên) bị tiêu chảy dẫn đến sốc mất nước. Sau khi được cấp cứu và điều trị tích cực, bệnh nhân nhi đã thoát khỏi lưới hái tử thần.

Theo gia đình bệnh nhân, cháu M. bị tiêu chảy, sốt cao kèm theo nôn nhiều lần trong ngày, sau đó được gia đình chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy. Cháu M. được nhập viện trong tình trạng lơ mơ, ý thức kém, co giật toàn thân cơn ngắn, dấu hiệu sinh tồn ở mức nguy hiểm như (nhịp tim đập nhanh trên 200/phút, sốt cao trên 40 độ, nhịp thở nhanh 60-70 lần/phút).

Sau khi thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhi được bác sĩ chẩn đoán sốc giảm thể tích do tiêu chảy cấp mất nước nặng; suy thận cấp; rối loạn điện giải; rối loạn toan kiềm và nếu không được xử trí nhanh, đúng có thể tử vong trong thời gian ngắn.

Bé trai 3 tuổi suýt mất mạng do tiêu chảy cấp  - Ảnh 1.

Bé trai 3 tuổi bị sốc giảm thể tích do tiêu chảy cấp mất nước nặng được bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy cứu sống

Trước tình thế khẩn cấp, các bác sĩ bệnh viện tập trung xử trí cấp cứu theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Sau hai ngày điều trị tích cực, cháu M. đã thoát sốc, các chỉ số sinh tồn cải thiện, nhịp tim và nhịp thở giảm, không còn tình trạng mất nước và bắt đầu tự ăn, uống được.

Theo bác sĩ Đỗ Kiêm Thắng-Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy: Thời tiết nắng nóng là thời điểm các bệnh lý về đường hô hấp, đường tiêu hóa ở trẻ tăng cao, đặc biệt là tiêu chảy cấp. Trẻ bị tiêu chảy cấp có tốc độ đào thải phân cao nên dễ dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải, rối loạn kiềm toan, nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Do đó, khi chăm sóc trẻ, bố mẹ cần chú ý theo dõi quá trình nôn, đi ngoài của con. Trường hợp trẻ bị nôn nhiều, tiêu chảy nhiều lần trong ngày không thể kiểm soát li bì, mệt mỏi, không ăn uống được cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện khám; từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, tránh biến chứng mất nước nặng do tiêu chảy đe dọa tính mạng. Bên cạnh đó, cần sử dụng oresol theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế, pha theo đúng tỷ lệ hướng dẫn để bù nước-điện giải tại nhà cho trẻ, hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra.

Trước sự việc trên, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chú ý vệ sinh ăn uống cho trẻ, ăn chín, uống sôi, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng tăng sức đề kháng, đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám khi tình trạng tiêu chảy có những dấu hiệu kéo dài hoặc bất thường để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hơn 6 Triệu Trẻ Em Uống Vitamin A Phòng Mù Lòa | SKĐS

Đức Tùy
Ý kiến của bạn