Bệnh nhân Nguyễn Thế Long (20 tháng tuổi, Thanh Hóa) sinh ra khỏe mạnh nhưng một bên đùi trái có khối u to chiếm toàn bộ mặt sau, ngoài đùi. Các bác sĩ bệnh viện địa phương chẩn đoán cháu mắc khối u bạch huyết và chỉ định điều trị nội khoa (tiêm xơ) cho bé. Sau 10 tháng điều trị nhưng bệnh tình không tiến triển, bé được gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng - Khoa Chỉnh Hình Nhi cho biết, tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình Nhi đã tiến hành cho bé chụp cộng hưởng từ để đánh giá khối u. Sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận bé Long có khối u bạch huyết nằm ở toàn bộ mặt sau cơ đùi trái.
Do kích thước khối u lúc này đã rất lớn (5,3x16x17cm), nếu không loại bỏ sẽ ảnh hưởng đến chức năng vận động, bé được các bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm cơ bản để tiến hành phẫu thuật. Sau ca phẫu thuật kéo dài 3 giờ, khối u được giải phóng khỏi cơ thể bệnh nhi.
Cháu được các bác sĩ tiến hành tiêm xơ làm giảm tỷ lệ tái phát, tạo hình vạt da cơ đùi sau, giúp hình thể đùi gọn lại. Đây là một phẫu thuật phức tạp do thời gian gây mê lâu, phẫu tích khối u nằm trong cơ đùi gần thần kinh hông to thần kinh đùi, bệnh nhân dễ mất máu mất dịch thể.
Hình ảnh khối u bạch huyết ở đùi trái của bệnh nhi trước khi phẫu thuật.
Có thể chẩn đoán bệnh trước sinh
Theo TS.BS Hoàng Hải Đức - Trưởng khoa Chỉnh hình nhi - Bệnh viện Nhi Trung ương, u bạch huyết là dị tật của hệ thống bạch huyết, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và mọi vị trí của cơ thể. Trong đó, 90% xảy ra ở trẻ em dưới 2 tuổi và hay gặp ở vùng đầu, cổ. U bạch huyết có thể bị từ khi còn bé (bẩm sinh) hoặc mắc phải (sau chấn thương…).
U bạch huyết mắc phải thường xuất hiện sau chấn thương, viêm, hoặc tắc nghẽn bạch huyết, thường phát hiện tình cờ hoặc bệnh nhân có biểu hiện đau nhẹ tại vùng tổn thương.
Trường hợp của bé Long thuộc dạng u bạch huyết bẩm sinh và có thể chẩn đoán trước sinh, trong thời kỳ bào thai, qua siêu âm thai.
Trong một số trường hợp tổn thương u bạch huyết có thể ảnh hưởng đến chức năng vận động nhất là khi khối u to ở chân hoặc tay. Các tổn thương u bạch huyết thường không gây đau hoặc đau nhẹ.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân trực tiếp của u bạch huyết là sự tắc nghẽn của hệ thống bạch huyết từ thời kỳ bào thai, mặc dù các triệu chứng có thể không phát hiện được trong giai đoạn mang thai của người mẹ cho đến khi em bé được sinh ra. Tắc nghẽn này được cho là gây ra bởi một số yếu tố, bao gồm: mẹ sử dụng rượu và nhiễm virus trong thời kỳ mang thai.
Bệnh có thể gây ra biến chứng chảy máu nhỏ, viêm mô tế bào tái phát và rò rỉ dịch bạch huyết. Nếu u bạch huyết dạng nang có kích thước lớn ở vùng cổ có thể gây khó nuốt, các rối loạn hô hấp và nhiễm trùng.
Các biến chứng sau khi phẫu thuật cắt bỏ nang bạch huyết có thể gặp là tổn thương các cấu trúc cơ quan vùng cổ, nhiễm trùng và bệnh tái phát.
- U bạch huyết dạng mao mạch thường thấy ở bề mặt da, thường là do bất thường về cấu trúc mạch bạch huyết, tổn thương là những cụm mụn nhỏ có màu từ hồng đến đỏ sẫm. Tổn thương lành tính và chỉ cần điều trị khi ảnh hưởng đến thẩm mỹ nhiều.
- U bạch huyết dạng hang thường thấy ngay từ khi mới sinh, đôi khi cũng gặp ở lứa tuổi lớn hơn. Tổn thương thường nằm sâu dưới da và tạo khối lồi lên bề mặt da, hay gặp ở vùng cổ, lưỡi, môi. Kích thước có thể từ vài mm đến vài cm.
- U bạch huyết dạng nang cũng có thể được phân loại thành các nhóm nang nhỏ, nang lớn, loại hỗn hợp tùy theo kích thước của u nang. U bạch huyết dạng nang nhỏ: bao gồm nhiều nang và thể tích mỗi nang nhỏ hơn 2 cm3. U bạch huyết dạng nang lớn bao gồm nhiều nang và thể tích mỗi nang lớn hơn 2cm.