Hà Nội

Bé trai 2 tuổi bị đũa chọc rách vòm miệng

27-06-2020 09:47 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, trẻ chơi đùa có nghịch đũa (loại đũa cái đảo cơm), không may chọc vào miệng gây rách vòm miệng và được đưa đi cấp cứu...

Ngày 25/6/2020, khoa Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt, Trung tâm Sản Nhi (Phú Thọ) tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi nam (sinh năm 2018, trú tại Tạ Xá – Cẩm Khê – Phú Thọ) với chẩn đoán chấn thương vòm miệng do tai nạn sinh hoạt.

Bệnh nhi vào viện trong tình trạng tỉnh, không nôn, không sốt, có vết rách vùng giữa vòm miệng dọc tới lưỡi gà, kích thước 5x1cm, chảy máu.

Theo người nhà bệnh nhi cho biết khoảng 10h00 cùng ngày trẻ nghịch đũa (loại đũa cái đảo cơm) chọc vào miệng gây rách vòm miệng và được đưa đến Trung tâm y tế địa phương chẩn đoán là vết thương phức tạp hạ họng, sau đó bệnh nhi chuyển tuyến đến Trung tâm Sản Nhi.

Tại đây, các bác sĩ ngay lập tức phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi, khâu tạo hình phục hồi vòm miệng, lưỡi gà.

Các bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhi.

BSCKI. Nguyễn Mai Hương - khoa Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt– người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi cho biết: Đây là vết thương phức tạp, sâu, vùng vòm miệng nhiều mạch máu nên bệnh nhi chảy nhiều máu nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây mất máu, nguy cơ nhiễm trùng, sau này có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống, nói, phát âm của trẻ. Mô vùng vòm miệng rất mềm, trẻ có thể bị thương, đau khi ăn uống nên để vết thương mau liền hàng ngày cha mẹ nên vệ sinh miệng cho trẻ bằng nước muối Natri clorid 0,9%, cho trẻ ăn thức ăn mềm, nguội, theo dõi, điều trị theo phác đồ của bác sĩ.

Cũng theo BS Hương, trước đây khoa cũng tiếp nhận một trường hợp trẻ 3 tuổi bị cây sáo trúc chọc vùng vòm miệng cứng gây chảy máu liên tục, phải thực hiện khâu và cầm máu vết thương.

Vết thương của bệnh nhi trước và sau phẫu thuật.

Các bác sĩ cảnh báo, thời gian gần đây, những trường hợp trẻ bị thương tích đáng tiếc liên quan đến vùng mặt, tai mũi họng do tai nạn sinh hoạt mà khoa tiếp nhận ngày càng nhiều. Những tai nạn sinh hoạt thường gặp nhất là thương tích do ngã, tai nạn cắt, đâm do vật cứng, sắc nhọn (dao, kéo, đũa, que…)…

Chính vì vậy, gia đình cần chú ý, cẩn thận trong quá trình chăm sóc trẻ, sát sao khi trẻ chơi đùa, đặc biệt không để trẻ vừa nô đùa vừa cầm đồ vật sắc nhọn, cứng để tránh gây thương tích.


Lê Nguyên
Ý kiến của bạn