Hà Nội

Bé trai 18 tháng bị chó cắn mất vành tai

28-09-2017 17:14 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Sang nhà hàng xóm chơi, cháu T.V.N. (18 tháng tuổi, ở Đông Anh - Hà Nội) bị chó cắn vào vùng hàm mặt. Tuy có mẹ chứng kiến và đã rất cố gắng để kéo con ra nhưng trẻ vẫn bị tổn thương nặng nề.

Sau khi được sơ cứu tại cơ sở y tế địa phương, cháu N. được gia đình chuyển ngay tới Bệnh viện Nhi Trung ương, vào ngày 15/6. Tại đây, sau khi thăm khám, ThS.BS Đặng Hoàng Thơm – Trưởng khoa phẫu thuật Sọ mặt và tạo hình nhận định: Trường hợp bé N. có tổn thương khá hiếm gặp do vành tai bị mất một phần lớn sụn và da của gờ luân, hõm thuyền, gờ đối luân,… phần sụn còn lại bị mất da và dập nát nhiều.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong phẫu thuật tạo hình, bác sĩ cho biết, tạo hình vành tai ngay lần đầu là rất khó khăn vì thiếu tổ chức sụn và da, kèm theo trên nền nguy cơ nhiễm trùng do chó cắn.

Sau khi xem xét kĩ lưỡng các phương án, nhóm các bác sĩ phẫu thuật quyết định sẽ tạo hình vành tai qua 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là bảo tồn tối đa sụn còn lại bằng cách đặt sụn xuống tổ chức da sau tai. Giai đoạn 2, các bác sĩ sẽ tạo hình lại vành tai cho bé.

Hình ảnh ngay sau phẫu thuật lần 2, vành tai của bệnh nhi đã được tạo hình lại gần như bình thường.


Gần 3 tháng sau khi phẫu thuật lần 1, ngày 15/9 vừa qua, cháu N. đã được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật lần 2 dựng lại khung sụn, dùng vạt da lấy từ sau tai để tạo hình vành tai. Rất may mắn hiện vành tai của cháu đã trở về gần như bình thường.

Các bác sĩ cho biết, trường hợp trẻ bị tai nạn do chó cắn được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương là khá phổ biến. Bác sĩ khuyến cáo, không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo. Nếu gia đình có nuôi chó thì cố gắng cách ly với trẻ ở khoảng an toàn, đặc biệt là chó đang nuôi con, đang ăn, bị thương… Khi thả chó ra khỏi nơi nhốt thì phải rọ mõm, tuân thủ chích ngừa chó định kỳ. Khi bé bị chó cắn nên mang đến bệnh viện ngay để cấp cứu kịp thời và chích ngừa.


BS. Trần Đình Phượng – BS. Phạm Tuấn Hùng
Ý kiến của bạn