BS. Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, bệnh viện vừa mới tiếp nhận một trường hợp hóc dị vật nguy kịch do thói quen ngậm bút mà nhiều trẻ em, học sinh mắc phải.
Theo đó, nam bệnh nhi 11 tuổi (ngụ tại Tiền Giang) nhập viện trong tình trạng khẩn cấp, khó thở nặng, ho nhiều, ho sặc sụa và sốt nhẹ. Được biết, trước nhập viện 7 ngày trẻ đã được gia đình đưa tới thăm khám tại bệnh viện tư trên địa bàn và được chẩn đoán bị viêm hô hấp trên. Tuy nhiên, sau vài ngày điều các triệu chứng như ho, khó thở và sốt ẩm ỉ không những không thuyên giảm mà còn nặng hơn.
Sau khi các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố thăm khám thì bé nhớ lại và kể có ngậm viết bi và vô tình nuốt phải đầu nút bấm bằng nhựa. Sau khi kiểm tra phổi phát hiện âm thanh ứ đọng, hội chứng xâm nhập rõ, kèm X-quang ngực các bác sĩ nghi ngờ trẻ bị hóc dị vật đường thở.
Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành phẫu thuật cho bé. Kết quả cho thấy, trẻ bị hóc dị vật, dị vật nằm bít lòng phế quản trung gian phổi phải. Xác định dị vật chính là đầu nhựa bút bi đang nham nhở xước bởi các chất tiết đàm nhớt. Dị vật đầu bút bi đã được gắp ra kịp thời và thành công, bé đã qua cơn nguy kịch.
Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ khuyến cáo, trẻ nhỏ luôn hiếu động và có nguy cơ gặp các trường hợp tai nạn khẩn cấp gây nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng của trẻ. Đặc biệt là khi Tết đến, tai nạn dị vật hóc sặc trở nên phổ biến hơn.
Chính vì vậy, phụ huynh cần cẩn thận đối với các loại đồ vật nhỏ như pin hoặc các loại đậu hạt đầu nhọn vì các dị vật kích thước nhỏ thường dễ bít phế quản và gây trầy xước, tổn thương và tắc nghẽn đường thở.
Tuyệt đối không để trẻ em đặc biệt là trẻ nhỏ ở một mình, ở ngoài tầm mắt tầm tay của người lớn.
Phụ huynh nên để các vật có kích thước có thể vừa miệng trẻ tránh xa tầm với của trẻ. Tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nếu không được phát hiện sớm có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng của trẻ.