Trò chuyện với phóng viên dịp Tết Nhâm Dần, PGS.TS Trần Danh Cường- Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW cho biết, trong năm Tân Sửu- năm 2021 vượt qua dịch bệnh COVID-19, các thầy thuốc Bệnh viện Phụ sản TW vừa chống dịch, vừa triển khai nhiều kỹ thuật cao trong chăm sóc, điều trị người bệnh chuyên khoa sản-phụ.
Một trong những dấu ấn đó là việc các thầy thuốc của bệnh viện đã làm nên kỳ tích khi nuôi dưỡng và cứu sống thành công bé gái sinh non 27 tuần tuổi nặng chỉ vẻn vẹn 400gram. Đến thời điểm đó- tháng 9/2021, đây là bé sơ sinh nhẹ cân nhất được nuôi dưỡng và cứu sống tại Việt Nam.
Giám đốc Trần Danh Cường cũng chia sẻ với chúng tôi về bức thư ông nhận được ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần từ quê hương Nghệ An xa xôi. Bức thư khiến người thầy thuốc có hơn 30 năm gắn bó với nghề y không khỏi rưng rưng xúc động. Ông bảo xúc động không phải vì lời cảm ơn của gia đình người nhà là ông và các thầy thuốc của Bệnh viện đã thành công nuôi dưỡng một mầm sống, một sinh linh bé nhỏ, để mang lại hạnh phúc cho một gia đình…
Kỳ tích đã đến với em bé chỉ nặng 400gram lúc lọt lòng...
Bức thư cảm ơn của gia đình bệnh nhân cho biết chị tên là Nguyễn Thị Mai Phương tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, ngày 1/6, chị được BS Cường- Giám đốc Bệnh viện, BS Minh và các y bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản TW chẩn đoán và mổ cấp cứu trong tình trạng tiền sản giật nặng, thai chậm phát triển trong tử cung khi mang bầu bước vào tuần 28, em bé nặng 400gram.
Sau mổ chị Phương được điều trị trong phòng hồi sức cấp cứu, còn bé An con chị được điều trị trong tình trạng "còn nước còn tát". 7 ngày đầu nằm tại phòng hồi sức, chị Phương được các y bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc tận tình nên sức khỏe của chị đã nhanh chóng hồi phục được xuất viện về nhà.
"Tuy nhiên lúc đó tôi không thể gặp con bởi bé được chăm sóc đặc biệt trong lồng ấp. Mọi công việc chăm sóc cho bé đều do BS Hoa và các y bác sĩ của Trung tâm chăm sóc và điều trị Sơ sinh. Tôi biết biết bé An đang được các y bác sĩ giành giật sự sống từ tay tử thần từng giây từng phút. Tôi đặc biệt biết ơn các chiến sĩ áo trắng, mọi người là Phật sống trong lòng tôi"- chị Phương viết trong thư.
Cũng tại bức thư cảm ơn này, chị Phương cho biết do ở trong vùng dịch nên chị không thể ra Hà Nội với con vì thế bé An lớn lên từng ngày nhờ những giọt sữa mẹ mà nhân viên y tế xin của những sản phụ khác, bé cũng đã được các bác sĩ sử dụng liệu pháp massage ngay trong lồng kính.
"Cuối cùng kỳ tích đã xảy ra với gia đình tôi, bệnh viện thông báo tôi có thể ra Hà Nội gặp con sau 14 ngày cách ly. Bế con trên tay, ấp con vào lòng, tôi mới cảm thấy rằng đây không phải là mơ, con tôi đã thực sự được các bác sĩ cứu từ thay tử thần"- Chị Phương viết.
Sự tận tâm của những "thiên thần áo trắng" và lời cảm ơn của gia đình người bệnh
Chị Phương kể lại: "Tiếp tục 2 tháng nằm lồng ấp Kangaru trong khoa Sơ sinh tầng 6 tòa nhà BC, mẹ con tôi và nhiều gia đình bệnh nhân khác luôn được các y bác sĩ quan tâm hướng dẫn tận tình cách chăm sóc bé. Tôi càng cảm nhận hết câu nói "lương y như từ mẫu". Các chị điều dưỡng thường bảo tôi khi nào mệt quá thì gọi các chị bế con cho một xíu mà nghỉ, rồi có gì cứ gọi các cô nhé, khi nào cũng được... "
Theo chị Phương nếu chỉ "với trách nhiệm thì không thể tạo nên các y bác sĩ, điều dưỡng có y đức tuyệt vời đến thế, luôn hết lòng vì người bệnh".
Chị Phương cũng thông tin sau 2 tháng ra viện về nhà, bé An đã nặng 4,8 kg, bé đã biết cười ra tiếng, biết nói chuyện, biểt giơ tay với lấy đồ vật, biết cầm nắm, đổi tay trò chơi, biết lật... "Để có được ngày hôm nay, đều nhờ các y bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Phụ sản TW, đặc biệt là Trung tâm chăm sóc và điều trị Sơ sinh đã miệt mài ngày đêm cứu chữa, chăm sóc cho bé"- Chị Phương nói.
"Bằng lá thư này, tôi xin trân trọng cảm ơn sâu sắc đến Ban lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản TW, nhất là Giám đốc Trần Danh Cường đã xây dựng được một đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn giàu y đức, tâm huyết với nghề, nhiệt tình với bệnh nhân... Gia đình tôi cảm ơn BS Minh và êkíp mổ ngày 1/6; BS Thu Hoa, điều dưỡng Vân và nhiều y bác sĩ khác đã quan tâm, chăm sóc bé An và tôi"- Chị Phương viết.
Trước đó, ngày 1/6, bệnh nhi Thái Thị An được mổ đẻ vì chậm phát triển trong tử cung, suy thai, mẹ bị tiền sản giật. Ngay sau sinh, em bé trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng, teo đét, bụng chướng, thở nấc, thở máy oxy.
Tại thời điểm sinh, bé Thái Thị An nặng 400gram, chỉ nhỏ như một chiếc xi lanh 50ml, lọt thỏm trong lòng bàn tay của nhân viên y tế.
Ngay khi mổ lấy thai, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức sơ sinh, tận dụng thời gian vàng cấp cứu bé, đặc biệt thực hiện chiến lược chống nhiễm trùng nhiều tầng để kiểm soát nhiễm khuẩn cho em bé.
Theo TS. BS Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản TW, với một em bé nặng 400gram, chân bé nhỏ chưa bằng ngón tay út của người lớn, việc nuôi tĩnh mạch, lấy ven vô cùng khó khăn.
Khi mới sinh, em bé được nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn, đến ngày thứ 15, bữa ăn đầu tiên qua đường miệng, em bé chỉ ăn 1,5-2ml/bữa. Sau 23 ngày, bé ăn 5ml sữa/bữa, với tần suất ăn 16 bữa một ngày, nhỏ sữa từng giọt cho em bé.
"Sau 3 tháng 9 ngày, em bé đã nặng 1800gram, trẻ tự thở khí trời, ăn sữa đạt 200ml/ngày. Đây là sự tăng trưởng kỳ tích của trẻ, với mức tăng trưởng 15% cân nặng/tuần"- TS Lê Minh Trác thông tin.
Với một em bé cực kỳ thấp cân non tháng sẽ có 8 nguy cơ sau sinh như: Ngạt; Suy hô hấp; Hạ thân nhiệt; Xuất huyết đặc biệt nguy hiểm (xuất huyết não, phổi); Khó khăn nuôi dưỡng dễ viêm ruột hoại tử; Nhiễm trùng sơ sinh (viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng máu); Rối loạn chuyển hóa; Vàng da, tan máu, thiếu máu.
"Do đó phòng chống nhiễm khuẩn theo nhiều tầng là điều hết sức quan trọng với trẻ non tháng. Em bé sơ sinh sinh non đã nhiễm trùng là rất nặng, kiểm soát được nguy cơ này em bé sẽ có cơ hội hồi sinh"- PGS.TS Trần Danh Cường chia sẻ.
Những kỹ thuật ứng dụng chăm sóc cho trẻ để hạn chế nguy cơ đã được các thầy thuốc của Bệnh viện Phụ sản TW triển khai như: hồi sức sơ sinh ngay từ phòng đẻ; chống suy hô hấp cho trẻ bằng thở máy, bơm surfantan, thở CPAP, oxy, chống tắc nghẽn đường thở; Lồng ấp để giữ ấm cho trẻ cách ly môi trường...
"Tính từ thời điểm em bé được sinh ra, nặng 400gram quả thực chúng tôi không dám nghĩ em bé hồi phục diệu kỳ như ngày hôm nay. Đây cũng là thành quả khẳng định trình độ, sự kiên trì của cả bác sĩ, gia đình người bệnh"- Giám đốc Trần Danh Cường nói.
BSCKII Nguyễn Thu Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị Sơ sinh cho biết, trong quá trình chăm sóc, không biết bao lần em bé đã ở "lằn ranh sinh tử". Rồi với may mắn em bé lại vượt qua, lớn lên từng ngày với chính những giọt sữa mẹ của nhân viên y tế, của các bà mẹ khác và với sữa giàu đạm nhân viên y tế gom tiền lại mua cho bé vì gia đình hoàn cảnh xa xôi....