Bé nói ngọng, hay cáu khi nói không ai hiểu gì

27-12-2014 19:29 | Đời sống
google news

Con trai tôi 2 tuổi rưỡi, đã nói được cả câu dài và có trí nhớ tốt nhưng nói ngọng, nhiều câu chỉ có mẹ nghe mới hiểu rồi “phiên dịch” cho người khác.

Mỗi lần bé nói cả nhà nghe không hiểu gì, tôi thường yêu cầu con nói lại. Cháu làm theo nhưng sau vài lần nói vẫn không ai hiểu được thì cháu trở nên cáu kỉnh. Cháu khá ngộ nghĩnh và đã biết trêu đùa người khác. Làm thế nào để khắc phục tật nói ngọng ở con sớm và điều chỉnh nhưng không khiến cháu tức giận nổi cáu.

(Thiên Trang)

be-hoc-noi-2147-1419641134.jpg
Ảnh minh họa: News.asiaone.com.

Trả lời

Chào bạn,

Nói ngọng là điều thường thấy ở các trẻ nhỏ trong độ tuổi 1-3, tuổi tập nói. Trong độ tuổi này, trẻ chưa nói được tròn vành rõ chữ vì đang trong quá trình phát triển về âm. Nếu được sửa trẻ có thể điều chỉnh nói cho đúng, cho đến 4-5 tuổi trẻ sẽ định hình được cách phát âm. 6 tuổi, trước khi đi học, được coi là chuẩn mực để xác định trẻ có nói ngọng hay không.

Con trai bạn đang ở độ tuổi tập nói. Bé 2 tuổi rưỡi nói ngọng cũng là điều hết sức bình thường, nếu loại trừ được các nguyên nhân dưới đây:

- Trẻ mắc một số bệnh đường hô hấp như: khó thở, ngạt mũi do mũi xoang, viêm VA… khiến khi nói bé phải thè lưỡi ra hoặc há miệng thay vì phải kín miệng ở một số chữ dẫn đến phát âm sai.

- Một số tổn thương, khiếm khuyết thực thể như dị dạng đường phát âm, ngắn lưỡi, dính thắng lưỡi, sứt môi, hở hàm ếch… cũng là nguyên nhân gây ngọng.

- Ngoài ra một số trẻ cũng có thể bị ngọng do bộ phận thính giác. Khi nghe kém, trẻ không đủ vốn từ để học nói đầy đủ dẫn đến ngọng.

Trường hợp bạn có nghi ngờ một trong số những nguyên nhân trên khiến con nói ngọng thì việc trước tiên cần làm là đưa con đi thăm khám lâm sàng về mặt y học để kiểm tra, tìm ra nguyên nhân chính xác nhằm điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng lên khả năng phát âm của trẻ về lâu dài. Sau đó mới tính đến việc dạy trẻ khắc phục được chứng nói ngọng bằng các cách mà chúng tôi sẽ chia sẻ bên dưới.

Nếu có thể xác định được chắc chắn con nói ngọng không phải xuất phát từ những nguyên nhân đó mà chỉ là do độ tuổi của bé thì cha mẹ có thể sửa dần cho con, dạy bé khắc phục tình trạng đó bằng cách:

- Tạo cho bé một môi trường ngôn ngữ thật sự lành mạnh (không phải qua TV, điện thoại, máy tính…). Bởi nếu trẻ xem TV, chơi game quá nhiều dẫn đến việc học ngôn ngữ không qua nghe - nói mà qua nhìn - nói cũng khiến cung thính giác không được kích thích gây rối loạn phát âm ở trẻ.

- Bố mẹ và người thân nên thường xuyên chơi cùng con, trò chuyện với con, giao tiếp bằng ngôn ngữ nói chuẩn, rõ ràng cho con bắt chước. Chú ý dạy bé cách đặt lưỡi thế nào, bật âm ra sao và làm mẫu, sửa cho con những từ con nói sai, phát âm chậm, nhiều lần cho trẻ nhìn khẩu hình và làm theo.

- Khi đọc cho con nghe một bài thơ, hoặc câu chuyện, chú ý từ nào, câu nào bé không phát âm được đúng thì đọc chậm hơn, đọc lại nhiều lần cho con lắng nghe.

Việc nói ngọng khiến người khác không hiểu trẻ đôi khi gây cho con tâm lý thiếu tự tin khi giao tiếp, dễ bực tức, nổi cáu. Vì vậy bố mẹ cần nhẹ nhàng, kiên trì giúp con khắc phục, tránh tình trạng thúc giục, ép buộc gây ra tâm lý sợ hãi hoặc cáu bẳn, dần dần trẻ ngại nói hơn và rụt rè thu mình trong thế giới riêng. Bố mẹ cần chú ý không nên hỏi dồn khiến bé lúng túng, nói lắp, ngọng. Yêu cầu trẻ nhắc lại câu bé nói khi cha mẹ chưa nghe thấy nhưng cần phải hướng dẫn cho con nói hay trả lời câu hỏi chậm, đúng, không vội vàng khiến tình trạng nói ngọng ngày càng thêm tệ hơn.

Nếu con đã đi học thì gia đình có thể nhờ giáo viên trên lớp quan tâm chỉnh sửa, tạo điều kiện cho bé phát triển tốt về ngôn ngữ…

Chúc bạn và gia đình thành công.

Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Quỳnh Trang

Chuyên gia tâm lý trường mầm non Hoàng Gia

Theo VnExpress

 


Ý kiến của bạn