Bế mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

20-11-2018 12:09 | Xã hội
google news

SKĐS - Ngày 20/11, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sẽ họp phiên bế mạc sau hơn 20 ngày làm việc. Tại kỳ họp này Quốc hội đã biểu quyết thông qua 9 dự án luật và 1 nghị quyết. Hơn một nửa nhiệm kỳ đã đi qua, Quốc hội khóa XIV đã làm tốt vai trò lập pháp của mình, giám sát các vấn đề kiến nghị bức xúc của cử tri gửi gắm cho đại biểu với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân.

Các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét thông qua bao gồm: Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2018. Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán phân bổ ngân sách trung ương năm 2019. Đánh giá kết quả 3 năm triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016-2020. Xem xét, quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Quốc hội cũng đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn và tiến hành xem xét, quyết định về công tác nhân sự bầu Chủ tịch Nước; miễn nhiệm, bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ngay đầu kỳ họp với sự đồng thuận rất cao của các đại biểu.

Nhiều ĐBQH kỳ vọng vào năm 2019 sẽ có nhiều thay đổi về kinh tế - xã hội, trên cơ sở những gì đã đạt được từ năm 2018 đã đặt nền móng hết sức quan trọng, trong đó có dấu ấn phòng chống tham nhũng với sự quyết tâm cao độ của toàn Đảng, toàn dân. Một thuận lợi nữa là Tổng Bí thư đồng thời cũng là Chủ tịch nước nên hoạt động phòng chống tham nhũng sẽ tốt hơn rất nhiều, tạo sự đoàn kết thống nhất vào công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng ta.


Trần Lâm
Ý kiến của bạn