Đến hôm nay thì bé Phạm Thị Nhung ở Đức Bồng (Hà Tĩnh) có lẽ đã mồ yên mả đẹp. Thôi thế cũng xong một kiếp con người. Bé gái mất đi vì một tai nạn thương tâm mà nguyên do là vì cái đói. Trong khi đó, những con số 34 ngàn tỷ và 800 tỷ để đổi mới sách giáo khoa (SGK) vẫn nhảy múa trên các trang báo.
Gia cảnh nghèo túng của gia đình bé Nhung trong đám tang của em.
Đến hôm nay thì bé Phạm Thị Nhung ở Đức Bồng (Hà Tĩnh) có lẽ đã mồ yên mả đẹp. Thôi thế cũng xong một kiếp con người. Bé gái mất đi vì một tai nạn thương tâm mà nguyên do là vì cái đói. Trong khi đó, những con số 34 ngàn tỷ và 800 tỷ để đổi mới sách giáo khoa (SGK) vẫn nhảy múa trên các trang báo.
Có lẽ nhiều người cũng đã biết về cái chết của bé Nhung- một học sinh lớp 3 ở Hà Tĩnh, sáng em phải nhịn đói đi học, đến 10 giờ thì mệt quá muốn xỉu đi, cô giáo cho em uống hộp sữa rồi gọi bố đến đưa về. Em đạp xe qua cầu, có lẽ vì choáng đã va vào thành cầu rồi rớt xuống sông chết đuối, bố nhảy xuống vớt con thì đã muộn.
Câu chuyện làm cho ai đọc đến cũng thấy sốc, cũng thấy đau như đứt ruột. Vì đến khi bé Nhung ra đi rồi, tìm trong nhà không có một manh áo tử tế cho cháu mặc, bát cơm cúng cũng phải nhờ hàng xóm mang gạo đến cho. Nhà em vẫn nghèo rớt mùng tơi nhưng đã được xã cho ra khỏi diện nghèo để lên hộ cận nghèo vì thu nhập cả nhà 6 miệng ăn này đã được 4 triệu đồng/tháng.
Thoát nghèo để lên “hộ cận nghèo”. Những khái niệm ấy xa lạ với hầu hết những ai đang sống ở thành phố. Chính quyền xã phân bua nói rằng họ không có lỗi. Cha mẹ em cũng không có lỗi. Bé Nhung chết chỉ vì tai nạn thôi. Nhưng cái đói là có thực, cái đói có lỗi, cái đói đã khiến một đứa trẻ không thể học nổi, phải bỏ dở buổi học giữa chừng.
Cái đói đã khiến một đứa bé nghèo rơi xuống sông chết thảm. Trong cả nước này, liệu còn bao nhiêu đứa học trò như thế, bụng rỗng đi học, đi chân đất đi học, mặc áo quần rách đi học, và bữa đói bữa no?
Tôi muốn kể cho bạn đọc nghe câu chuyện thương tâm về bé Nhung, chỉ để nói một điều rằng, trong khi xã hội vẫn còn những đứa học trò có thể chết vì đói như thế, thì người ta đang làm những dự án giáo dục ngàn tỷ như thế nào.
Vài tháng trước đây, Bộ GDĐT gây sốc khi công bố một đề án đổi mới SGK trị giá 34 ngàn tỷ, dư luận phản đối ầm ầm, ông Bộ trưởng liền đăng đàn nói là “tại anh em khớp quá”, đó chỉ là “lỗi kỹ thuật”.
Đến hôm 27/9 vừa qua, Bộ lại trình Ủy ban thường vụ Quốc hội một Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 với tổng kinh phí tròm trèm 800 tỷ đồng, khiến Chủ tịch Quốc hội phải thốt lên: “Từ 34.000 tỷ đồng xuống còn 800 tỷ đồng. Tôi sợ quá”.
Nhưng chưa hết, Bộ vẫn “thòng” thêm một câu: “có thể còn kinh phí phát sinh”. Và nhiều người chưa hết hoang mang liệu cái khoản phát sinh này có lên tới con số ngàn tỷ hay không. Ai mà lường được. Vì từ 34 ngàn tỷ, Bộ vẫn kéo xuống được 800 tỷ thì kéo lên vài ngàn tỷ cũng là chuyện dễ như bỡn mà thôi.
Những con số 34 ngàn tỷ và 800 tỷ ấy vẫn nhảy múa trên mặt báo, kéo dư luận vào một cuộc khiêu vũ chóng mặt và không ít hoang mang, không hiểu rồi đây, liệu con số chính xác nào sẽ được chốt lại.
Chuyện ngàn tỷ cho đổi mới SGK phục vụ học trò cả nước đương nhiên là chuyện lớn. Chuyện bé gái lớp 3 chết trên đường về nhà vì đói quá, theo quý bạn đọc, là chuyện lớn hay nhỏ? Chắc có người sẽ bảo: Xời, hai chuyện này có liên quan gì đến nhau?
Xin thưa, có liên quan cả đấy. Nếu các quan chức Bộ GDĐT nghĩ nhiều hơn đến những đứa học trò gia cảnh nghèo túng, đến những trường lớp liêu xiêu dột nát, những đứa bé mẫu giáo ngồi trong lớp mà chân vẫn dẫm trong bùn, những đứa bé phải nhờ dự án thiện nguyện cộng đồng “Cơm Có Thịt” mới khỏi bắt chuột để ăn, thì chắc chắn họ sẽ tính toán từng đồng dự án kỹ lưỡng hơn. Sẽ không có chuyện nay 34 ngàn tỷ, mai 800 tỷ và ngày kia là bao nhiêu tỷ tỷ không ai dự đoán nổi nữa.
Không chỉ là chuyện dự án của Bộ GDĐT mà thôi, mỗi ngày, bao nhiêu lĩnh vực, có hàng trăm hàng ngàn dự án được ký duyệt, được thông qua, được rót tiền. Nếu những người có địa vị và quyền lực nghĩ đến những người nghèo mỗi ngày một nghèo hơn, những đứa bé nhịn đói đi học, có đứa như bé Nhung- ngã xuống sông mà chết, thì họ có thay đổi chút gì không? Có tiêu tiền dự án trách nhiệm hơn không?
Tôi ước ao làm sao từ đây, trước khi đệ trình một dự án ngàn tỷ, ký duyệt một đề án ngàn tỷ trong ngành giáo dục, những người có trách nhiệm hãy nhớ đến bé Nhung trong một vài giây phút. Họ đang chi tiêu những đồng tiền thuế của dân, trong đó có cả những người dân nghèo và rất nghèo.
Tiền ngân sách vẫn lãng phí ở đâu đó hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng và ở đâu đó, những đứa bé nghèo như Nhung, vẫn chết vì đói, vì bệnh, ai biết đó là đâu.
Nếu còn có kiếp sau, tôi cầu xin Thượng đế cho bé Nhung được đầu thai vào một xứ sở khác.