Tôi có thói quen hay bẻ các khớp ngón tay, ngón chân để đỡ mỏi. Xin bác sĩ cho biết khi bẻ như thế có ảnh hưởng gì đến các khớp xương không?
Nguyễn Thị Tiếp (Nghệ An)
Nhiều người thấy những thao tác bẻ khớp tay, chân, cổ... giúp giãn gân cốt sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng. Tuy nhiên lại ảnh hưởng đến thẩm mỹ như khớp phì đại, giảm sức cầm nắm (bàn tay), tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe. Vì mỗi khớp chỉ chịu được một lực nhất định. Nắn, bẻ khớp làm khớp hoạt động nhiều, gây lực ép lớn lên khớp khiến khớp bị tổn thương.
Điểm nối giữa hai khớp có dây chằng, chất hoạt dịch lỏng, gân… Khi bẻ vặn khớp làm gân, dây chằng giãn ra hết mức và gây tổn thương cấp tính như bong gân, trật khớp, thậm chí giãn hoặc rách dây chằng.
Ngoài ra, sụn khớp là thành phần trắng, giòn, làm lớp đệm giữa hai đầu xương, giúp giảm lực ma sát khi chúng trượt lên nhau, giúp con người có thể đi lại, vận động, sinh hoạt dễ dàng. Trong sụn khớp có 2% là tế bào sụn và không có khả năng hồi phục khi bị thương. Nắn, bẻ khớp sẽ làm sụn bào mòn, thương tổn dẫn đến thoái hóa.
Bên cạnh đó, do sụn bị bào mòn và không có khả năng hồi phục, gai xương sẽ mọc ra tấn công vào mô gây đau nhức khớp. Nếu tuổi càng lớn, gân, sụn, dây chằng kém linh động và dễ tổn thương hơn nên việc vặn bẻ khớp sẽ làm tốc độ thoái hóa khớp diễn ra nhanh hơn.
Để giảm cảm giác mệt mỏi, có thể tập các động tác tay nhẹ nhàng thay vì bẻ khớp, nếu làm việc văn phòng không nên ngồi lâu một chỗ, khoảng 30 phút nên đứng dậy đi lại rồi quay lại làm việc tiếp.
Bác sĩ Đinh Văn Minh