Ước mơ được lắp chân giả của bé Khán An đã thành hiện thực.
Trước đó, hoàn cảnh của bé Khánh An đã được đăng tải trong bài viết "MS 936: ‘Mẹ ơi, chân con đâu rồi?' trên chuyên mục Vòng tay nhân ái của Báo Sức khỏe và Đời sống.
Tai nạn bất ngờ xảy ra ngày 4/6 đã ‘cướp’ đi một bên chân của bé Vũ Thị Khánh An, 6 tuổi ở xóm Minh Hải, xã Hải Chiều, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Mặc dù gia đình đã nhanh chóng đưa đi cấp cứu ngay sau khi bị tai nạn, nhưng do tình trạng của con quá nặng, bác sĩ đã phải cắt lọc phần hoại tử, phẫu thuật cắt cụt 1/3 trên cẳng chân trái.
Hoàn cảnh gia đình của Khánh An khó khăn. Nhà đông con, vợ chồng chị Nguyễn Thị Chinh – mẹ của bé Khánh An luôn sống trong cảnh ‘giật gấu vá vai’ mới lo được cho các con ăn học. Hai vợ chồng làm thuê, dệt lưới bắt cá… ngày nào cũng từ sớm tới khuya.
Chi phí điều trị những ngày qua của Khánh An, ngoài sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm, vợ chồng chị Chinh phải đi vay mượn thêm. Sau một thời gian điều trị tại bệnh viện Việt Đức, sức khỏe của Khánh An đã tốt hơn nhiều, phần mỏm cụt đã lành. Để con có thể đi lại được như trước, gia đình vẫn luôn mong ước khi Khánh An ổn định sức khỏe sẽ được lắp chân giả.
Đọc được hoàn cảnh của bé Khánh An, Trung tâm chỉnh hình quốc tế IOCARE đã quyết định tài trợ toàn bộ chi phí và thực hiện lắp chân giả cho bé Khánh An. Mới đây, chiếc chân giả được làm cho bé Khánh An đã được Trung tâm hoàn tất cơ bản, bao gồm socket, phần trục, bàn chân. Khánh An sau đó đã được lắp thử chân giả, tập những bước đi đầu tiên trên chiếc chân mới.
Ông Phạm Văn Đông – Giám đốc Trung tâm chỉnh hình quốc tế IOCARE cho biết, chân của bé bị co rút cơ kheo và cơ gối gấp rất nhiều nên ban đầu tỷ lệ làm được là khó. Các chuyên gia, kỹ thuật viên đã phải nghiên cứu để thay đổi làm ra một sản phẩm chân phù hợp với chân của con.
Chân giả dưới gối này thiết kế lần 1 socket mềm trong, ổ socket ngoài nhựa PP. Ống nối cụm chỉnh, bàn chân được nhập khẩu riêng lẻ để phù hợp với bé. Chân chỉnh lần 2 sẽ có silicon gell đi trong tạo độ mềm mại và êm, socket ngoài nhựa resin sợi tổng hợp tăng cường carbon nhẹ và bền. Thẩm mỹ chân bằng mút mềm sao cho giống chân thật của bé nhất.
Trong những ngày đầu tập luyện, chân sẽ tiếp tục được cân chỉnh các chi tiết cơ học cho thật phù hợp. Bé có thể đi lại bình thường sau thời gian tập luyện.
"Để đi lại tự nhiên nhất, bé cần tập luyện để có thể sử dụng thành thạo chân và giúp các khớp vận hành theo cử động của mình. Chúng tôi cũng đã hướng dẫn gia đình phối hợp tập luyện tại nhà. Trung tâm cũng sẽ hỗ trợ để tăng chỉnh chiều cao, thay ổ mới để kéo giãn khớp gối cho thẳng gối. 3 tháng nữa, con sẽ quay lại để kiểm tra" – anh Đông chia sẻ.
Ước mơ có chân giả của bé An đã trở thành hiện thực rồi. Có được điều đó cũng là nhờ những tấm lòng hảo tâm của bạn đọc Báo Sức khỏe và Đời sống, đã giúp đỡ chắp cánh cho ước mơ của Khánh An thành hiện thực. Nhìn thấy con có thể đi lại được, chị Chinh đã rất vui mừng.
Chị Chinh cho biết: "Khi con mất đi một bên chân, mọi sinh hoạt của con gặp nhiều khó khăn. Hàng ngày con vẫn phải đưa đón con đi học. Con ở lớp cũng chỉ biết ngồi một chỗ. Còn nhớ những ngày con vào viện, vét cả nhà cũng chỉ được vài triệu. May mắn có các nhà hảo tâm hỗ trợ nên con đã được điều trị thuận lợi, gia đình bớt đi phần nào chi phí. Giờ con được lắp chân giả, nhìn con đi lại được, tôi vui lắm. Gia đình chúng tôi xin gửi lời cảm ơn đến Báo và Trung tâm đã tài trợ lắp chân giả cho con".