Bé hóc dị vật có thể tử vong

26-04-2021 07:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Các trường hợp mắc dị vật ở trẻ em có xu hướng ngày càng tăng. Cha mẹ, người trông trẻ cần hết sức cảnh giác vì có nhiều dị vật nhỏ sắc nhọn hay độc tố gây những hậu quả nguy hiểm.

Các trường hợp mắc dị vật đường tiêu hóa ở trẻ ngày càng có xu hướng gia tăng và có nhiều trường hợp hy hữu. Trường hợp điển hình là bé gái 2 tuổi ở Đà Nẵng đang nằm chơi với bố. Trong lúc chơi, bé vừa hát vừa nghịch dây kéo áo khoác, đầu dây kéo bị bong ra và bé vô ý nuốt vào. Gia đình vô cùng lo lắng khi phát hiện và đã đưa bé đi khám tại BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

Qua thăm khám lâm sàng và chụp Xquang, các bác sĩ thấy có một dị vật kích thước khoảng 18x11mm, nằm ở trong thực quản đoạn của bé. Bác sĩ đã tư vấn gia đình: trường hợp của bé, dị vật có cạnh, còn nằm ở thực quản đoạn cổ, trẻ khó nuốt, nôn ói nhiều, đau họng nên có chỉ định nội soi cấp cứu có gây mê để lấy dị vật, tránh các tai biến có thể xảy ra.

Tương tự, Bệnh viện Nhi Thái Bình cũng vừa thực hiện thành công một ca nội soi tiêu hóa gắp dị vật trong ruột một bệnh nhi 3 tuổi. Dị vật là que lõi kẹo bằng nhựa dài 10cm. Trước đó, sáng 15/4, Khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi Thái Bình) tiếp nhận một bệnh nhân là bé trai, sinh năm 2018, có địa chỉ  (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), với tình trạng đau bụng từng cơn, đau quanh rốn.

Theo gia đình bệnh nhân, cháu bé bị đau kéo dài hơn 1 tháng, đã đi khám nhiều lần nhưng không xác định được nguyên nhân. Sau khi nhập viện, các bác sĩ đã siêu âm ổ bụng và phát hiện thấy hình ảnh dị vật trong lòng tá tràng.

Hình ảnh dị vật nằm trong thực quản đoạn cổ (mũi tên) và hình ảnh dị vật đã gắp ra qua nội soi.

Hình ảnh dị vật nằm trong thực quản đoạn cổ (mũi tên) và hình ảnh dị vật đã gắp ra qua nội soi.

Dị vật đa dạng

Nguy cơ mắc dị vật có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt tuổi tác và giới. Tuy nhiên, những đối tượng thường mắc là trẻ em hay có thói quen ngậm, mút các đồ vật trong khi chơi.

Dị vật của đường tiêu hóa trên rất đa dạng và phong phú, tuy nhiên, có thể phân làm 3 loại chính như sau: Dị vật thực sự bao gồm: đồng xu, lắc tay, nhẫn, xương cá, tăm tre, kim băng, cúc áo, cục pin... và đây là loại dị vật trẻ em hay gặp nhất. Dị vật là thức ăn chưa được nhai kỹ như cục thịt, cục măng khô, búi rau. Dị vật dạng cục bã thức ăn: được tạo bởi bã, xơ thực vật, nhiều khi kết hợp cả lông, tóc, hạt trái cây... kết hợp với chất nhầy của dạ dày.

Dấu hiệu mắc dị vật đường tiêu hóa

Các dấu hiệu khi mắc dị vật đường tiêu hóa liên quan đến tính chất dị vật và vị trí mắc, thời gian mắc dị vật. Tại thực quản: bệnh nhân thường có các triệu chứng như nuốt vướng, nuốt nghẹn, đau khi nuốt, đau sau xương ức; ở trẻ em có thể quấy khóc hoặc buồn nôn và nôn; có thể khạc ra máu nếu các dị vật gây biến chứng ở thực quản như viêm, áp-xe,... Tại dạ dày: bệnh nhân có dấu hiệu đau vùng thượng vị, buồn nôn - nôn, đầy bụng, chậm tiêu.

Nếu mắc phải dị vật sắc nhọn trong thời gian dài có thể gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, gây xuất huyết tiêu hóa. Dị vật có thể đâm thủng ống tiêu hóa gây áp-xe trong thành ống tiêu hóa, áp-xe  trung thất, áp-xe dưới hoành,  áp-xe trong ổ bụng, thủng ruột hoặc viêm phúc mạc,... Nguy hiểm nhất là dị vật ở thực quản có thể đâm vào động mạch chủ gây tử vong tức thì.

Một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị ngộ độc do các thành phần là các chất độc có trong dị vật như nuốt pin.

Dị vật được lấy ra khỏi bụng bệnh nhi ở Thái Bình.

Dị vật được lấy ra khỏi bụng bệnh nhi ở Thái Bình.

Lời khuyên của thầy thuốc

Một số lưu ý, các phụ huynh không thể lơ là, đối với trẻ nhỏ, cha mẹ phải chuẩn bị kỹ thức ăn cho trẻ, lấy hết xương cá, xương lợn ra khỏi món ăn. Tập cho trẻ lớn thói quen ăn chậm, nhai kỹ.

Không cho trẻ ngậm bất kỳ vật nhỏ gì ở miệng vì trẻ dễ nuốt vào. Không nên đùa, gây cười khi trẻ đang ăn uống, vì dễ khiến trẻ bị sặc. Không nên cho trẻ ăn các loại hạt hoặc những loại quả chưa lấy hạt, vì hạt dễ rớt vào đường thở hoặc thực quản, có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời,...        


BS. Nguyễn Văn Hồng
Ý kiến của bạn