Bé gái sinh năm 2012, tại Hà Nội, có tiền sử tiểu đường type I nhưng không tuân thủ điều trị. Trước khi vào viện 2 ngày, bệnh nhi có biểu hiện mệt mỏi, khát nước, nôn nhiều và đau bụng, tuy nhiên gia đình không đưa con đi khám, không điều trị.
Sáng 18/1, bệnh nhi xuất hiện tình trạng lơ mơ, mệt nhiều. Gia đình vội đưa con đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) trong tình trạng hôn mê, thở nhanh, mất nước. Ngay lập tức bệnh nhân được chỉ định vào Khoa Hồi sức tích cực Nhi. Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán bị hôn mê nhiễm toan ceton trên bệnh nhân đái tháo đường không tuân thủ điều trị với nồng độ đường máu cao 28mmol/l (người bình thường ở 5 - 7,2mmol/l ở thời điểm trước bữa ăn), khí máu có tình trạng nhiễm toan chuyển hóa nặng.
Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi đã được cải thiện, tỉnh táo hơn, ăn uống được, đường huyết được điều chỉnh bằng insulin tiêm dưới da với phác đồ ngày 4 mũi.
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng điều trị cho một bé trai 4 tuổi do mắc tiểu đường. Trước đó, bé trai có biểu hiện sụt 3kg trong 3 tuần, tiểu nhiều ban đêm, trước đó hoàn toàn khỏe mạnh. Đi khám, gia đình bé trai rất bất ngờ khi bác sĩ thông báo con bị đái tháo đường.
Kết quả xét nghiệm khí máu, test đường huyết mao mạch cho thấy bé trai nhiễm toan nặng. Đặc biệt, lượng đường máu tăng lên rất cao 37mmol/l, trong khi đường huyết ngẫu nhiên được đo bất kỳ thời điểm nào trong ngày là 11,1 mmol/l được xem là bình thường.
Dấu hiệu nhận biết tiểu đường ở trẻ em
Theo Ths.BS Hoàng Văn Kết, Trưởng khoa Hồi sức tích cực nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bệnh đái tháo đường ở trẻ em chủ yếu là type 1, tức là thể phụ thuộc insulin, chủ yếu gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ Insulin. Bệnh được xem là bẩm sinh, di truyền, có yếu tố gia đình, xuất hiện ở mọi lứa tuổi.
Nhiều bệnh nhi phát hiện đái tháo đường ngay khi vừa chào đời. Tuy nhiên tiểu đường ở trẻ sơ sinh rất khó phát hiện, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác do ảnh hưởng nhiều đến tuần hoàn, hô hấp và tri giác của bé.
Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cảnh giác với bệnh lý tiểu đường khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường như:
- Đi tiểu thường xuyên, hay khát nước, uống nhiều nước. Đây là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh tiểu đường ở trẻ em. Khi mắc bệnh, trẻ sẽ rất nhanh khát, uống nhiều nước và đi tiểu liên tục.
- Sụt cân, mệt mỏi, thay đổi cảm xúc
- Nhiễm trùng miệng, âm đạo hoặc da (do vi trùng sinh sôi trong môi trường có nồng độ glucose cao)
- Đau bụng
- Học lực giảm sút.
- Các triệu chứng khác như: Co giật, hôn mê, lơ mơ, thở nhanh, nhiễm trùng, đau bụng, mất tri giác thường xuất hiện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng.
Trẻ bị tiểu đường nếu được phát hiện kịp thời, điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa kết hợp chăm sóc chế độ dinh dưỡng hợp lý vẫn có thể học tập, vui chơi và tham gia các hoạt động xã hội như các bạn.
Tiểu đường ở trẻ sơ sinh khó phát hiện
Theo các chuyên gia y tế, phần lớn gia đình có con mắc bệnh tiểu đường sơ sinh chưa có hiểu biết về bệnh. Việc phát hiện bệnh thường chậm trễ, các cháu chỉ được đưa đến cơ sở y tế khi đã rơi vào tình trạng nặng, li bì, hôn mê.
Tiểu đường sơ sinh thường có những biểu hiện âm thầm, không đặc trưng, khiến người lớn rất dễ bỏ qua: bé bú nhiều kèm theo đi tiểu nhiều, sốt kéo dài, chậm tăng cân so với các trẻ bình thường khác. Cha mẹ cần nhận biết các biểu hiện sớm của bệnh và đưa con đi khám kịp thời chính là chìa khóa giúp cứu sống nhiều trẻ mắc căn bệnh nguy hiểm này.
Thành công của điều trị bệnh tiểu đường sơ sinh phụ thuộc rất nhiều ở khâu chẩn đoán sớm và sự hợp tác của gia đình người bệnh. Phát hiện bệnh muộn hoặc không điều trị kịp thời có thể khiến bệnh tiến triển nhanh, gây biến chứng nặng nề, thậm chí dẫn tới tử vong.
Với trẻ sơ sinh, gia đình đưa trẻ đến cơ sở y tế khi thấy trẻ có những biểu hiện như:
- Cân nặng lúc sinh thấp hơn so với tuổi thai
- Thể trạng mệt mỏi
- Bú nhiều, tiểu tiện nhiều
- Sút cân, không tăng cân.