Bé hai tháng tuổi mắc giang mai
Bé gái 2 tháng tuổi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nổi bọng nước khắp cơ thể, chảy dịch vàng lẫn máu, sốt cao. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc giang mai bẩm sinh lây từ mẹ.
Khoảng 3 tuần trước khi nhập viện, bé gái V.T.T. (2 tháng tuổi, dân tộc Mông, ở Văn Chấn, Yên Bái) xuất hiện dấu hiệu ban đầu với ban sẩn đỏ rải rác ở vùng mông. Sau 5 - 6 ngày các ban này tiến triển thành các đám, mảng, bọng nước, sau đó lan ra hai chân, hai tay và vùng cổ.
Gia đình đã đưa trẻ đến khám tại một phòng khám tư, được chẩn đoán viêm da, bôi thuốc không rõ loại và tắm nước chè xanh trong 2 ngày nhưng tình trạng không cải thiện.
Bệnh tình tiếp tục diễn biến nặng hơn, các bọng nước vỡ, chảy dịch vàng lẫn máu. Sau 5 ngày trẻ xuất hiện sốt cao 38°C, quấy khóc, nên gia đình đưa bé đến cơ sở y tế để thăm khám.
Kết quả thăm khám và xét nghiệm tại đây cho thấy trẻ mắc giang mai bẩm sinh kèm thiếu máu nặng, sau đó được chuyển đến khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để điều trị.
Sau 5 ngày điều trị thì các tổn thương ngoài da của trẻ giảm dần, trẻ cắt sốt và ăn uống tốt hơn. Sau 2 tuần điều trị tích cực, bé được xuất viện trong tình trạng ổn định, với cân nặng tăng trưởng khả quan.
Cách phát hiện sớm bệnh giang mai bẩm sinh
Bệnh giang mai bẩm sinh xảy ra khi mẹ mắc bệnh giang mai truyền vi khuẩn gây bệnh cho thai nhi trong quá trình mang thai, thường xảy ra từ tháng thứ 4 - 5 của thai kỳ.
Tùy theo mức độ nhiễm xoắn khuẩn từ người mẹ vào thai mà có thể xảy ra các trường hợp: Sảy thai, thai chết lưu, trẻ sinh non và có thể tử vong. Các trường hợp nhẹ hơn thì em bé mới sinh ra trông có vẻ bình thường, sau vài ngày hoặc vài tháng mới thấy xuất hiện các thương tổn giang mai, khi đó gọi là giang mai bẩm sinh sớm.
Giang mai bẩm sinh có thể xuất hiện muộn hơn khi trẻ trên 2 tuổi, khi 5 - 6 tuổi hoặc lớn hơn gọi là giang mai bẩm sinh muộn.
Biểu hiện của giang mai bẩm sinh sớm thường xuất hiện trong 2 năm đầu, hay gặp nhất là trong 3 tháng đầu với các triệu chứng như: Phỏng nước lòng bàn tay, bàn chân, thường gặp hơn là triệu chứng bong vảy ở lòng bàn tay, bàn chân, sổ mũi, khụt khịt mũi, viêm xương sụn, giả liệt Parrot (do viêm các đầu xương dài làm trở ngại vận động). Trẻ sinh ra thường nhẹ cân, da nhăn nheo, bụng to, có tuần hoàn bàng hệ, gan, lách to.
Biểu hiện giang mai bẩm sinh muộn thường xuất hiện sau sinh 3 – 4 năm với các biểu hiện như: Viêm giác mạc kẽ thường xuất hiện lúc dậy thì, bắt đầu bằng các triệu chứng nhức mắt, sợ ánh sáng ở một bên, về sau cả hai bên và có thể dẫn đến mù, lác quy tụ, điếc cả hai tai bắt đầu từ 10 tuổi, thường kèm theo viêm giác mạc kẽ.
Ngoài ra, còn có thể thấy các dị hình như: Thủng vòm miệng, trán dô, xương chày lưỡi kiếm…
Nếu bệnh được phát hiện sớm có thể điều trị khỏi và không để lại di chứng. Ngược lại nếu phát hiện muộn sẽ nguy hại đến sức khỏe của trẻ. Theo thống kê có tới 40% trẻ sinh ra từ những phụ nữ mắc bệnh giang mai không được điều trị sẽ bị chết lưu, các biến chứng khác bao gồm sinh non và nhẹ cân.
Vì vậy, phụ nữ mang thai nên được sàng lọc bệnh giang mai ít nhất 1 lần để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, giúp phòng ngừa và loại trừ hiệu quả nhất bệnh giang mai bẩm sinh.
Giang mai là bệnh nhiễm trùng mạn tính ở đa cơ quan do vi khuẩn Treponema Pallidum gây ra. Ba đường lây truyền bệnh là đường tình dục, truyền máu và mẹ con. Nhiễm trùng thai nhi từ người mẹ bị bệnh dẫn đến giang mai bẩm sinh. Bệnh có thể gây sảy thai, thai chết lưu, sinh non và tử vong sơ sinh. Ngay cả trẻ sơ sinh còn sống có thể phát triển các biểu hiện của giang mai bẩm sinh, gây biến dạng răng và xương, thậm chí mù lòa và điếc...
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có tới 1,5 triệu ca giang mai trong thai kỳ mỗi năm. Tất cả trẻ bị giang mai bẩm sinh hay sinh ra từ mẹ có phản ứng huyết thanh dương tính cần được theo dõi lâm sàng và kiểm tra mỗi 2 - 3 tháng cho đến khi xét nghiệm âm tính.