BS. Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, tại thời điểm nhập viện, bệnh nhi trong tình trạng rất nặng, phải vào thở máy ngay và ngay lập tức được cho uống Tamiflu. Tuy nhiên, sau gần 2 giờ cấp cứu, diễn biến của bệnh nhi không cải thiện, thở máy không đáp ứng, oxy máu xuống thấp và xuất hiện suy đa phủ tạng rồi tử vong.
Trước diễn biến quá nhanh của ca bệnh, mẫu bệnh phẩm đã được lấy và kết quả xét nghiệm của BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã khẳng định bé gái dương tính với vi rút cúm B. BS Cấp cho biết, cúm B là một thể cúm thường khá lành tính, nhưng ở bệnh nhi này lại diễn biến quá nhanh, suy hô hấp, suy đa phủ tạng rồi tử vong nhanh chóng.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, ngày 22/12, em bé xuất hiện các hội chứng cúm thông thường như đau họng, ho và sốt nhẹ, gia đình cũng chỉ cho bé uống thuốc hạ sốt, theo dõi con. Đến sáng 24/12, bệnh nhi vẫn chỉ có những biểu hiện trên, thậm chí cháu bé còn đòi đến trường do đã nghỉ học 2 ngày, nhưng gia đình không đồng ý.
Đến trưa cùng ngày, cơn sốt tăng dần kèm theo hiện tượng khó thở nên gia đình đưa bé vào BV địa phương khám. Tại đây, hình ảnh chụp X-quang cho thấy phổi trái của bệnh nhi đã trắng xóa và lan dần sang phổi phải kèm theo hiện tượng suy hô hấp tiến triển nhanh. Các bác sĩ đã đặt nội khí quản cho bệnh nhi và chuyển lên BV Bệnh Nhiệt đới trung ương.
Nên đeo khẩu trang để bảo vệ đường hô hấp, tránh nhiễm bệnh qua đường hô hấp. Ảnh minh họa.
Chớ chủ quan với cúm thông thường
BS. Cấp cho hay, thời điểm hiện tại, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn tiếp nhận rải rác những bệnh nhân mắc cúm thông thường đến khám nhưng đều biểu hiện nhẹ, chưa có trường hợp nào phải nhập viện.
Theo các chuyên gia, kết quả giám sát bệnh cúm tại cộng đồng thời gian gầy đây tỷ lệ mắc cúm thấp. Các chủng cúm A/H1N1, A/H3N2, cúm B đã lưu hành như một chủng cúm thông thường. Vì thế, mắc các chủng cúm này, đa phần bệnh nhân chỉ nhiễm cúm nhẹ, tự khỏi. Tuy nhiên, bất cứ chủng cúm nào cũng có tỷ lệ nhất định diễn biến nặng gây viêm phổi tử vong. Do đó, người dân tuyệt đối không được chủ quan, khi có biểu hiện cúm nên cách ly và đến viện khám để được tư vấn tốt nhất.
Cúm là bệnh lây qua đường hô hấp, qua mũi, họng hoặc qua tiếp xúc trực tiếp, nếu không thận trọng, bệnh sẽ lây lan nhanh chóng. Để phòng bệnh cúm, BS. Cấp nhấn mạnh, tiêm vắc xin cúm (mỗi năm một lần) là biện pháp đề phòng cúm và phòng biến chứng viêm phổi do bị cúm.
Bên cạnh đó, cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể, bổ sung dinh dưỡng, tập luyện… để chống lại những tác nhân gây bệnh, trong đó có vi rút cúm. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh mũi, miệng, mắt. Nên đeo khẩu trang để bảo vệ đường hô hấp, tránh nhiễm bệnh qua đường hô hấp. Người bị bệnh cần cách ly, tránh lây bệnh cho cộng đồng.
D.Hải