Bé gái bị viêm phổi nặng, suy hô hấp được cứu sống kịp thời

06-10-2019 13:00 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, đơn vị này vừa cứu sống một bệnh nhi viêm phổi nặng, suy hô hấp nguy kịch nhờ kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO).

Theo BSCK1. Nguyễn Cát Phương Vũ, bệnh nhi  T.N.P.L. (2,5 tuổi, ngụ quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh) được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trong tình trạng suy hô hấp, được đặt nội khí quản, thở máy thông số cao. Trước đó, bệnh nhi sốt cao liên tục, co giật, suy hô hấp đã điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới nhưng không thuyên giảm.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, phim X-Quang cho thấy phổi bệnh nhi trắng xóa, sốc, tụt huyết áp, tiên lượng rất xấu, độ bão hòa oxy trong máu chỉ còn 60%. Ngay lập tức bệnh nhi được chuyển thẳng đến Khoa Hồi sức tích cực và chỉ định triển khai áp dụng ngay kỹ thuật trao đổi oxy màng ngoài cơ thể (ECMO) mode V-V (tĩnh mạch – tĩnh mạch). Đây là mode được sử dụng trong các bệnh lý nguy kịch của phổi, khi đã được tiến hành các biện pháp hồi sức hô hấp tích cực như thở ôxy, thở máy thông số cao mà lượng ôxy máu vẫn thiếu.

Ê-kíp mạch máu nhanh chóng được huy động gồm BSCK2 Nguyễn Kinh Bang, BS Dương Quốc Tường, phối hợp nhịp nhàng cùng êkip Hồi sức tích cực gồm BS Nguyễn Đạt Thịnh, BS Ngô Văn Tuấn An thực hiện nhịp nhàng luồn ống thông từ máy ECMO và kết nối hoàn chỉnh vào cơ thể bệnh nhi.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chăm sóc, theo dõi bệnh nhi trong quá trình áp dụng kỹ thuật ECMO mode V-V (tĩnh mạch – tĩnh mạch). Ảnh BVCC

Sau khi triển khai ECMO và theo dõi sát, tình trạng bệnh nhi tiến triển tốt dần. Sau 8 ngày, bệnh nhi được ngưng thuốc vận mạch hỗ trợ tuần hoàn, giảm đáng kể thông số thở máy và rút ống nội khí quản ngay sau khi vừa cai ECMO. Phim phổi trắng xóa lúc nhập viện đã cải thiện đáng kể, 2 phế trường sáng dần, thông khí tốt cả 2 phổi, bệnh nhi có thể tự thở mà không cần sự hỗ trợ của ECMO.

Theo BS CK2 Lê Vũ Phượng Thy, trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, trưởng ekip ECMO cho biết: "Phương pháp ECMO được áp dụng cho những trường hợp bệnh nhân bị suy hô hấp nặng do tổn thương phổi và/hoặc trụy tim, suy tuần hoàn nặng đáp ứng kém hoặc không còn đáp ứng với các biện pháp hồi sức thông thường. Đây là biện pháp cuối cùng cho những bệnh nhân đang cận kề cái chết."

“Đây là một trong những trường hợp hiếm hoi được bỏ thở máy ngay sau khi chạy ECMO mode V-V. Chính kỹ thuật kịp thời này là yếu tố then chốt, góp phần vào sự thành công của điều trị, bệnh nhi đã gần như bình phục hoàn toàn và trở lại cuộc sống bình thường”, BS  Phượng Thy chia sẻ thêm.

Được biết, đây là trường hợp trẻ viêm phổi nặng kèm suyễn, nguy kịch suy hô hấp cấp tiến triển đầu tiên được thực hiện kỹ thuật ECMO mode V-V tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố nói riêng và khu vực phía Nam nói chung.

Cảnh giác với viêm phổi ở trẻ em

Viêm phổi ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp cấp nặng, gây tổn thương nhu mô phổi dẫn đến suy hô hấp do rối loạn trao đổi khí, là nguyên nhân hàng đầu  gây tử vong trong các bệnh về đường hô hấp ở trẻ em. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên trẻ dưới 2 tuổi hay gặp hơn. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng hay gặp vào mùa thu đông và đầu xuân. Bệnh chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp. Vi khuẩn, vi rút trú ngụ ở mũi họng và được phát tán khi trẻ ho, hắt hơi, chảy mũi.

Nguyên nhân gây viêm phổi chủ yếu là do vi rút, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng. Theo đánh giá chung, viêm phổi ở trẻ trên 5 tuổi thường do vi khuẩn, ngược lại dưới 5 tuổi  chủ yếu do vi rút. Tuy nhiên thực tế lâm sàng không dễ phân biệt căn nguyên do vi khuẩn hay vi rút. Hơn nữa, ở trẻ nhỏ với khả năng miễn dịch bảo vệ thấp, khởi đầu có thể bị nhiễm vi rút, nhưng nếu không kiểm soát tốt, bội nhiễm vi khuẩn rất dễ xảy ra.

Trẻ nào có nguy cơ cao  bị viêm phổi?

Trẻ sống trong không gian chật chội, ô nhiễm môi trường trong nhà và xung quanh. Đặc biệt nếu trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bếp lò than...

Trẻ em ở độ tuổi đến trường thường dễ bị bệnh hoặc mang các tác nhân gây bệnh về lây nhiễm cho anh chị em trong gia đình.

Trẻ có khả năng miễn dịch thấp (trẻ đẻ non, trẻ không được bú mẹ, suy dinh dưỡng) hoặc mắc các chứng bệnh mạn tính như: bệnh tim bẩm sinh, xơ hóa phế quản phổi, hen suyễn, trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn miễn dịch bẩm sinh và mắc phải…

Dấu hiệu báo hiệu có thể trẻ bị viêm phổi

Hầu hết các trường hợp bị viêm phổi ở trẻ lớn thường khởi đầu bằng sốt, ho, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (viêm mũi họng cấp). Nặng hơn có thể kèm theo khó thở, vã mồ hôi, rét run, mệt và bú kém. Viêm phổi ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có thể sốt hoặc không sốt thậm chí hạ thân nhiệt, bỏ bú và thường nhanh chóng bị suy hô hấp nặng. Vì vậy, khi trẻ có biểu hiện viêm phổi cần đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

 

 


Khánh Mai
Ý kiến của bạn