Hà Nội

Bé gái 2 tuổi tử vong do mắc tay chân miệng độ IV

01-11-2018 10:28 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tiền Giang cho biết, sau thời gian bệnh tay chân miệng gia tăng đột biến, đã có 1 trường hợp tử vong.

Bệnh nhi là sinh năm 2016 ở ấp Mỹ Phúc, xã Thiện Trí, huyện Cái Bè. Tử vong do bệnh tay chân miệng độ IV ngày thứ 3.

Theo lời kể của gia đình, bé gái phát bệnh ngày 24/10 với triệu chứng sốt, ho, nổi bóng nước trong miệng, loét miệng và được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa khu vực Cai Lậy (Tiền Giang) khám và điều trị ngoại trú 1 ngày.

Đến ngày 25/10, tình hình bé vẫn không giảm nên người nhà đưa bé trở lại Bệnh viện đa khoa khu vực Cai Lậy khám và điều trị. Qua điều trị 2 ngày, bệnh của bé diễn tiến nặng với biểu hiện khó thở co kéo cơ hô hấp, tim đều nhanh, mạch nhanh, phải thở oxy, truyền dịch, kháng sinh. Các bác sĩ chẩn đoán bé suy hô hấp cấp, viêm phổi nặng.

Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhi mắc tay chân miệng.

Ngày 26/10, người nhà xin chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM. Tuy nhiên, khi đang trên đường chuyển viện gần đến TP.Mỹ Tho, bé khó thở, tím tái nên người nhà đưa bé đến Bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang cấp cứu. Tại đây, mặc dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhi đã tử vong với chẩn đoán: suy hô hấp, mắc bệnh tay chân miệng độ IV.

Được biết, trước khi mắc bệnh, bé khỏe, chưa từng mắc các bệnh có nổi bóng nước; gia đình không ai mắc bệnh tương tự như bé.  Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh ghi nhận trên 2.400 ca mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó nhiều trường hợp bệnh nặng, diễn biến nhanh và triệu chứng không điển hình.

Theo BS CKII Nguyễn Minh Tiến - Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, bệnh  tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ tuổi mẫu giáo vì trẻ hay có thói quen cho tay vào miệng.

Khi mắc trẻ sốt nhẹ hoặc sốt cao, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, nôn ói, tiêu chảy vài lần trong ngày.  Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.

Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.

Trẻ có thể lui bệnh trẻ hồi phục hoàn toàn sau 8-10 ngày hoặc có biến chứng thần kinh, suy hô hấp, suy tuần hoàn,… dẫn đến tử vong. Nhưng cũng có nhiều trường hợp diễn biến nhanh và không có triệu chứng điển hình.

Vì vậy, cần đưa trẻ tái khám ngay khi trẻ có biểu hiện một trong các dấu hiệu cảnh báo nặng sau: Sốt cao, thở bất thường, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì hoặc ngủ gà; Giật mình, hốt hoảng, chới với, ngồi không vững hoặc đi loạng choạng, run tay, chân hoặc co giật, vả mồ hôi;  nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú,  yếu tay chân, da nổi bông, vân tím hoặc xanh tái…


Nguyên Vũ
Ý kiến của bạn