Cháu L. nhập viện trong tình trạng: tỉnh táo, không sốt, mạch huyết áp ổn định, da niêm mạc hồng, bụng chướng căng, chiếm toàn bộ ổ bụng là khối lớn, không rõ ranh giới, di động kém, đau.
Cháu được làm các xét nghiệm cơ bản để chẩn đoán, xử trí. Sơ bộ ban đầu các bác sĩ nhận thấy có u lớn ổ bụng, nghi ngờ u lách, chưa loại trừ u nang buồng trứng. Bệnh nhi được chuyển vào Khoa Ngoại Tiêu hoá tiếp tục làm các xét nghiệm chuyên khoa để chẩn đoán xác định, điều trị bệnh.
Khối u lớn kích thước 33cm x 23cm sau khi được lấy ra khỏi ổ bụng bệnh nhân
Sau khi được điều trị hồi sức, giảm đau, làm các xét nghiệm cơ bản khác, bệnh nhân được chỉ định chụp cắt lớp vi tính 128 dãy, dựng hình khối u mạch máu.
Kết quả chụp cắt lớp 128 dãy hình ảnh tổn thương là khối u lớn của lách có kích thước 33cm x 23cm chiếm toàn ổ bụng, chèn ép bể thận, niệu quản 2 bên gây giãn bể thận, niệu quản 2 bên, chèn ép dạ dày, đại tràng góc lách. Chẩn đoán xác định: u lớn của lách chèn ép bể thận, niệu quản 2 bên.
Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt lách. Tổn thương trong mổ là: Khối u lớn dạng nang cực dưới lách chiếm toàn bộ ổ bụng, tiểu khung, chèn ép dạ dày, ruột non, đại tràng.
Khối u dính vào vòm hoành trái, dạ dày, đại tràng, ruột non. Sau hơn 2 tiếng phẫu thuật các bác sĩ khoa ngoại tiêu hoá đã cắt toàn bộ lá lách kích thước 33cm x 22cm, trọng lương 2.0kg, trong nang có nhiều dịch mủ, máu. Khi phẫu thuật kiểm tra trong ổ bụng phía đuôi tuỵ, mặt sau dạ dày còn 1 lá lách phụ khoảng 2cm, các bác sỹ bảo tồn lá lách phụ.
Cháu L. hiện đã tỉnh táo, mạch huyết áp ổn định, da niêm mạc bình thường, bụng mềm xẹp, đã trung tiện, vết mổ khô, bệnh nhân có thể ngồi dậy ăn uống đường miệng.
Theo BS CKII Bùi Đức Duy: Đây là 1 ca phẫu thuật lớn, khó, do khối u lớn chiếm toàn bộ ổ bụng, dính nhiều vào các tạng xung quanh, chèn ép các tạng lân cận, việc phẫu tích cắt bỏ khối u là tương đối khó khăn, đòi hỏi kỹ thuật tỉ mỉ, chính xác.
Lách là 1 tạng nằm sâu trong ổ bụng có chứa nhiều mạch máu và liên quan nhiều tạng, cơ quan lân cận, vì vậy khi lách to việc phẫu tích cắt bỏ có nhiều khó khăn, nguy cơ chảy máu cao.
Bé L. 13 tuổi có khối u lớn hiếm gặp, bác sĩ khuyến cáo các gia đình có con nhỏ cần theo dõi các bé khi có bất kỳ các dấu hiệu bất thường cần cho các bé đi khám ngay, cũng như cho các bé đi khám sức khoẻ định kỳ để được phát hiện sớm các bệnh lý, tránh trường hợp bệnh nặng, tiến triển muộn sẽ có nhiều nguy cơ, biến chứng và khó khăn trong công tác điều trị.