Bể bơi tự phát - Nơi rình rập hiểm nguy

23-05-2018 10:37 | Xã hội
google news

SKĐS - Việc tập bơi và tắm vào những ngày nắng nóng là nhu cầu chính đáng và cần thiết. Song, bể bơi tự phát mọc lên quá nhiều, chủ bể chỉ biết thu tiền còn không có đủ các yếu tố an toàn và người theo dõi trong suốt quá trình các cháu tắm và tập bơi sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy.

Mùa hè, thời tiết nắng nóng nên việc tắm mát và tập bơi là nhu cầu cần thiết, chính đáng của rất nhiều người, đặc biệt là với học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở. Trước nhu cầu đó nên không chỉ ở thành phố, thị xã mới có bể bơi mà nhiều gia đình ở các vùng nông thôn cũng đầu tư xây dựng bể bơi để kinh doanh, đáp ứng việc tắm và tập bơi của các cháu nhỏ. Tuy nhiên, nhiều bể bơi tự phát mọc lên không đảm bảo các quy chuẩn, yêu cầu dẫn đến những vụ tai nạn đáng tiếc là điều cảnh báo không chỉ với chính quyền, cơ quan chức năng mà ngay cả với mỗi gia đình có cháu nhỏ.

Bể bơi của gia đình anh Nguyễn Anh Tuấn - nơi xảy ra vụ việc đáng tiếc ngày 6/5/2018 đã bị dừng hoạt động.

Bể bơi của gia đình anh Nguyễn Anh Tuấn - nơi xảy ra vụ việc đáng tiếc ngày 6/5/2018 đã bị dừng hoạt động.

Bể bơi của gia đình anh Nguyễn Anh Tuấn - nơi xảy ra vụ việc đáng tiếc ngày 6/5/2018 đã bị dừng hoạt động.

Vụ tai nạn xảy ra ngày 6/5/2018 vừa qua tại bể bơi của gia đình anh Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1974, thôn Trại Lớn, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) như là lời cảnh báo nhắc nhở khi mùa hè đã đến. Cụ thể, vào khoảng 16 giờ ngày 6/5, cháu D.T.Đ (sinh năm 2007) cùng nhiều cháu nhỏ, trong đó có 3 cháu vừa là bạn học, vừa là anh em đều ở xóm Mới, xã Yên Đồng đến bể bơi của gia đình anh Tuấn tắm. Chỗ nông nhất trong bể bơi của gia đình anh Tuấn là 0,86 mét, chỗ sâu nhất là 1,39 mét và cháu Đ. là người đã biết bơi hơn 1 năm nay, đã nhiều lần đến đây tắm. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, trong lúc cùng các bạn bơi lội, thấy Đ. bị chìm, các bạn cứ tưởng là bạn ấy lặn sâu, một lúc sau không thấy lên, mọi người mới hô hoán mò tìm làm các động tác sơ cứu và đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Yên Lạc cấp cứu nhưng cháu Đ. đã tử vong. Nguyên nhân dẫn đến tử vong của cháu Đ. hiện đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Trước đó, tại bể bơi của một gia đình ở thôn Cung Thượng, xã Bình Định, huyện Yên Lạc, do thiết kế, xây dựng không đảm bảo chất lượng nên trong lúc nước đầy và có đến 40-50 cháu nhỏ đang tắm và tập bơi thì bất ngờ một bức tường của bể bơi bị đổ sập, nước chảy xiết cuốn theo nhiều cháu nhỏ ra ngoài. Hậu quả làm 5 cháu bị thương phải đưa đi bệnh viện cấp cứu, trong đó có 1 cháu tử vong. Qua hai vụ việc cụ thể trên đã thấy rõ việc xây dựng bể bơi tự phát trên địa bàn huyện Yên Lạc đã tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường.

Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước nhu cầu tập bơi và tắm về mùa hè rất đông nên nhiều hộ gia đình ở huyện Yên Lạc đã đầu tư kinh phí xây dựng bể bơi để kinh doanh. Tùy vào diện tích đất rộng, hẹp của từng gia đình, nhưng bình quân mỗi bể bơi có diện tích từ 70-120m2, chủ gia đình phải bỏ ra từ 200 - 400 triệu đồng cùng hệ thống giếng khoan, máy bơm công suất lớn để duy trì hoạt động. Cơ bản các bể bơi kinh doanh đều có dây, phao cảnh báo và có hai khu riêng biệt, khu nông hơn để tập bơi và khu sâu dành cho những người biết bơi. Giá vé thu mỗi người lớn từ 8 - 10 nghìn đồng, trẻ em 5 nghìn đồng/ lượt. Những ngày cao điểm nắng nóng, có đến hàng trăm lượt người đến tắm và tập bơi, có gia đình vài người, vậy nên sau 4 -5 tháng mùa hè, có chủ bể bơi thu lãi hàng trăm triệu đồng. Vì vậy nên bể bơi tự phát mọc lên khá nhiều. Chỉ tính riêng xã Tam Hồng đã có 7 bể bơi tư nhân, trong đó có 3 bể bơi của gia đình chỉ để bơi và tắm nội bộ còn 4 bể có tiến hành thu vé hàng ngày.

Theo ông Chu Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hồng thì tất cả bể bơi của các hộ gia đình trên địa bàn xã đều tự phát, không bể bơi nào nộp bất cứ lệ phí hay một khoản thuế nào cả. Sau sự việc đáng tiếc trên, xã đã phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin của huyện chỉ đạo tạm dừng toàn bộ hoạt động của các bể bơi tự phát cho đến khi kiểm tra, xác minh có đủ các yêu cầu theo quy định thì mới cho hoạt động trở lại. Và từ nay về sau, chính quyền địa phương sẽ phải tăng cường kiểm tra, giám sát các bể bơi, không để hoạt động tùy tiện.

Trao đổi với chúng tôi, ông Kiều Như Khắc - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Yên Lạc cho biết:  Trên địa bàn huyện hiện có 17 bể bơi của các hộ gia đình kinh doanh, trong đó có 13 bể có giấy phép kinh doanh và chứng chỉ tập huấn bơi. Hiện đã yêu cầu 100% các bể bơi dừng hoạt động. Phòng Văn hóa Thông tin đang tiến hành kiểm tra toàn bộ hoạt động của ngành trong đó có bể bơi trên địa bàn huyện. Những bể nào có đủ điều kiện cho hoạt động trở lại, những bể nào không đảm bảo sẽ đóng cửa.

Nguyên nhân dẫn đến các vụ việc từ bể bơi thì có nhiều, nhưng các cơ quan chức năng và mỗi gia đình hãy quan tâm, thường xuyên giám sát, theo dõi các hoạt động của trẻ nhỏ, không thể cứ phó mặc cho con cháu tiền đi bơi là xong, nhất là các cháu nhỏ dưới 10 tuổi, người lớn biết bơi phải đến bể bơi giám sát chặt chẽ, chỉ cho tắm hoặc tập bơi trong một khoảng thời gian nhất định. Có như vậy mới hạn chế được những sự việc đáng tiếc xảy ra khi mùa hè đã đến.


Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN
Ý kiến của bạn