Trong một tuyên bố mới nhất, Nhà Trắng khẳng định không có "thông tin độc lập" về cách thức Giám đốc FBI đi đến quyết định công khai cuộc điều tra bổ sung này hay "yếu tố nào đã được cân nhắc" khi ông đưa ra quyết định thảo luận công khai vấn đề này.Trước đó, ngày 28/10, Giám đốc FBI Comey đã gây xôn xao dư luận khi gửi một bức thư lên giới lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông báo mở lại cuộc điều tra vụ bê bối thư điện tử của bà Clinton do phát hiện những bức thư được cho là "thích hợp cho cuộc điều tra". “FBI sẽ có các biện pháp điều tra phù hợp", ông Comey nói. Giới quan sát nhận định đây là một diễn tiến bất ngờ trước thềm cuộc đua vào Nhà Trắng ngày 8/11 tới.
Trong một diễn biến khác, các nghị sĩ đảng Dân chủ đã kiện tỷ phú Donald Trump vì đã tiến hành "chiến dịch hăm dọa cử tri" tại 4 bang "chiến địa". Trong lá đơn đệ trình ngày 31/10, các nghị sĩ Dân chủ cáo buộc ông Trump và các nghị sĩ đảng Cộng hòa vi phạm Đạo luật về quyền bầu cử ban hành năm 1965 và một luật năm 1871. Cụ thể, theo các nghị sỹ Dân chủ, ông Donald Trump đã tìm cách thúc đẩy mục tiêu của nhóm vận động tranh cử của mình trong việc "dồn nén cử tri".
Như vậy, giai đoạn chót của mùa bầu cử năm nay đang tiềm ẩn rất nhiều bất ngờ với những chỉ trích cá nhân qua lại giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump.
Bà Clinton sẽ gặp bất lợi?
Điểm khiến dư luận quan tâm hiện nay là việc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) mở lại cuộc điều tra về bê bối dùng thư điện tử cá nhân vào việc công của ứng cử viên Hillary Clinton sẽ tác động thế nào đến cuộc bầu cử tuần tới và khả năng giành thắng lợi của bà Clinton?
Trên thực tế, các email trên nằm trong số hàng nghìn thư điện tử mà FBI thu thập trong quá trình điều tra cựu nghị sĩ Anthony Weiner (bang New York) về những tin nhắn chat sex cho một thiếu nữ 15 tuổi. Ông Weiner là chồng đã ly thân của bà Huma Abedin, một trong những trợ lý thân cận của bà Hillary Clinton. Việc tiến hanh điều tra vụ rò rỉ hàng nghìn email cá nhân của bà Clinton có thể dẫn tới 2 khả năng đó là FBI có thể mở lại cuộc điều tra hình sự đối với ứng viên của đảng Dân chủ-cho dù bà có thắng cử hay không. Khả năng thứ 2 là cuộc điều tra sẽ không đưa ra được các chứng cứ mới và sẽ không tác động nhiều đến khả năng bà Clinton giành thắng lợi chung cuộc.
Dù kết quả cuộc điều tra như thế nào, giám đốc FBI Comey được cho là “nhân tố then chốt” có thể tác động đến cuộc bầu cử. Trên thực tế, giới phân tích cho rằng ông Comey có thể chọn giải pháp không thông báo cho Quốc hội, mà điều tra âm thầm. Như vì sao ông Comey vẫn quyết định công bố tiến hành cuộc điều tra?
Ông Comey giải thích rằng nếu ông quyết định vẫn “ém nhẹm” thông tin thì FBI sẽ đối mặt với nguy cơ bị chỉ trích là “thiếu minh bạch”. Hãng tin CNN nói rằng động thái của FBI được ví như “một quả bom” khiến các cử tri có thể quay lưng lại với bà Clinton và quy kết bà này không trung thực. Ngay sau khi thông tin FBI điều tra hàng nghìn email cá nhân của bà Clinton, ngay lập tức chính trường Mỹ lại tiếp tục nóng lên. Các cuộc điều tra dư luận mới nhất cho thấy ông Donald Trump đang đuổi theo “sát nút” bà Clinton. Khảo sát mới nhất của của tờ "Los Angeles Times" cho thấy ông Donald Trump đã vượt lên dẫn trước bà Clinton trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, theo đó 46% trong những người được hỏi sẵn sàng bỏ phiếu cho ông Trump, trong khi số ủng hộ bà Clinton là 44,1%. Một cuộc thăm dò khác của ABC/Washington Post cho biết tỷ lệ nói trên là 46%-45% và khoảng hơn 33% số cử tri cho biết những chi tiết mới mới trong vụ điều tra bê bối thư điện tử của bà Clinton khiến họ giảm sự ủng hộ với bà.
Như vậy, nếu cuộc điều tra của FBI tiếp tục đưa ra những thông tin mới, vị trí của bà Clinton có thể sẽ bị lung lay. Tuy nhiên, quá trình điều tra có thực sự sẽ tạo cú sốc hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc nội dung các email và liệu những email này có được công bố sớm hay không. Nếu các email này được công bố sớm và nội dung không có gì quan trọng, thì đây lại được coi là lợi thế đối với bà Clinton. Còn ngược lại, rất có thể bà Clinton sẽ phải đối mặt với khe cửa “rất hẹp” khi ngày 8/11 đang đến rất gần./.