Bê bối dược phẩm avastin - Ai có lý?

24-11-2011 07:12 | Quốc tế
google news

Theo quyết định của Cơ quan Quản lý dược và thực phẩm Mỹ (FDA), một trong những chế phẩm quan trọng trong điều trị ung thư sẽ bị cấm tại Mỹ.

Theo quyết định của Cơ quan Quản lý dược và thực phẩm Mỹ (FDA), một trong những chế phẩm quan trọng trong điều trị ung thư sẽ bị cấm tại Mỹ. Quyết định nay sẽ là một đòn mạnh giáng vao Tập đoàn Dược phẩm Roche.

 FDA cấm sử dụng avastin trong điều trị ung thư vú.
Hôm 18/11 vừa qua, FDA thông qua người đại diện của mình, thanh tra Margaret Hamburg đã tuyên bố cấm chỉ định thuốc avastin của Roche trong điều trị ung thư vú di căn. Đây là một sản phẩm mà ấn phẩm Le Figaro của Pháp gọi là “bom tấn” mang lại lợi nhuận cho hãng dược này. Theo những con số mà tờ báo thu thập được, sản phẩm này mang lại lợi nhuận nhiều tỷ USD cho hãng dược và khi lệnh cấm này được áp dụng, nó sẽ khiến nhà sản xuất ra avastin bị thiệt hại khoảng 1 tỷ USD, một con số không nhỏ trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay. Một cách chính xác, FDA chỉ cấm sử dụng avastin trong điều trị ung thư vú, trong khi đó, với những dạng ung thư khác như ung thư ruột kết, phổi, thận, não, thứ dược phẩm này vẫn được chấp nhận trong điều trị.

Thực ra, lệnh cấm này không phải là hoàn toàn bất ngờ. Nếu ngược lại khoảng thời gian cách đây hơn một năm, theo nguồn từ Thông tấn xã Việt Nam, ngày 9/9/2010, Sở Y tế Thượng Hải (Trung Quốc) đã ra một thông báo về việc 80 bệnh nhân thuộc Bệnh viện Nhân dân đệ nhất Thượng Hải đã bị viêm nhức mắt nghiêm trọng sau khi được điều trị tiêm thuốc avastin. Trầm trọng hơn, 55 người trong số này đã bị lòa và bắt buộc phải điều trị bằng phẫu thuật. Không rõ thông báo từ Trung Quốc có đánh động những người quản lý dược ở Mỹ hay không, chỉ biết rằng, ngay từ đầu năm 2011, một nhóm điều tra độc lập của FDA đã tiến hành các khảo sát về hiệu quả của avastin đối với các bệnh nhân ung thư vú. Tháng 6/2011, những thanh tra thuộc nhóm điều tra này đã đưa ra kết luận, theo đó, không có bằng chứng nào cho thấy việc sử dụng avastin có thể làm chậm tốc độ phát triển và di căn của bệnh ung thư, hơn thế nữa còn có thể gây ra một loạt các phản ứng phụ nguy hiểm như tăng huyết áp, xuất huyết, thủng dạ dày, ruột. Cân nhắc tương quan giữa các yếu tố lợi hại, nhóm điều tra này đã đề xuất việc cấm sử dụng avastin trong điều trị ung thư vú.

Quyết định của FDA là một quyết định có cơ sở. Phản ứng của Roche chỉ là “lấy làm tiếc” mà không có một động thái nào mạnh mẽ hơn. Tất nhiên, điều đó cũng là dễ hiểu trong mối quan hệ người bán hàng và người quản lý thị trường - bảo vệ người tiêu dùng. Trong mối quan hệ ấy, một thái độ “biết điều” luôn là một thái độ khôn ngoan. Hơn thế nữa, điều “an ủi” đối với Roche đó là dẫu sao, avastin cũng không hoàn toàn bị cấm ở Mỹ trong mọi trường hợp và quan trọng hơn nữa, thuốc vẫn được Ủy ban châu Âu “nương tay”. Ít nhất là cho đến lúc này, Ủy ban Quản lý thuốc dùng trên người (CMHP) của Cơ quan Quản lý thuốc của châu Âu vẫn chấp nhận việc sử dụng kết hợp avastin và paclitaxel (taxol) như là một trong những đơn thuốc hàng đầu trong điều trị ung thư vú. Điều đó cũng đồng nghĩa là thuốc sẽ vẫn được sử dụng một cách phổ biến tại hơn 80 nước trên thế giới. Tất nhiên, nếu chỉ xét từ góc độ kinh doanh, quyết định của FDA là một đòn nặng giáng vào Roche, bởi lẽ ngay cả khi không bị cấm thì uy tín của dược phẩm này chắc chắn sẽ bị nghi ngờ và các bác sĩ sẽ phải cân nhắc hơn trong việc chỉ định sử dụng thứ thuốc này đối với bệnh nhân. Nhưng dù sao, Roche chưa đến mức “trắng tay” hoàn toàn.

Dẫu vậy, từ góc độ chuyên môn, quyết định cấm của FDA vẫn là điều đáng để giới quản lý dược cũng như giới bác sĩ ở những quốc gia khác cần phải suy nghĩ. Tất nhiên, tình thế của Roche là khá tế nhị. Có lẽ, với những căn bệnh có thể chữa khỏi thì việc đo lường hiệu quả sẽ dễ thuyết phục hơn trường hợp của ung thư, căn bệnh thuộc hàng “nan y” và vì thế mà việc tách bạch một cách rạch ròi những hiện tượng xấu do bệnh và do thuốc là không dễ, đồng thời, mục đích lớn nhất của người sử dụng thuốc đa phần cũng chỉ là kéo dài thêm sự sống. Nhưng ngay cả vậy, ít nhất cũng phải ghi nhận rằng trong lịch sử của mình, FDA gần như chưa có những quyết định sai lầm nghiêm trọng nào. Trong khi đó, Roche lại là một hãng thuộc vào hàng có “tiền án” hoặt ít nhất “tiền sự”. Hãy nhớ là ngay tại Thụy Sỹ, bên lề Hội nghị thường niên về kinh tế thế giới WEF nhóm họp tại Thụy Sỹ, các tổ chức nhân quyền và môi trường Thụy Sỹ đã “bình chọn” Roche và Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) “giải đánh giá từ cộng đồng” (Public Eye), một danh hiệu dành cho những tổ chức, doanh nghiệp gây ra những tác động xấu đến môi trường và con người. Ta cũng không nên quên rằng, trong những bê bối liên quan đến thuốc tamifl u trong dịch cúm hồi năm ngoái cũng có “bóng dáng” ít nhiều của Roche. Nếu đặt lên “bàn cân” như vậy, có thể nói, quyết định của FDA, một cơ quan có đầy đủ điều kiện để thực thi việc kiểm soát chất lượng thuốc đáng để cho những quốc gia khác tham khảo, đặc biệt là các quốc gia chưa có được một hệ thống kiểm soát chất lượng chặt chẽ và tối tân như Hoa Kỳ.

LƯƠNG XUÂN HÀ


Ý kiến của bạn