Năm nay, thời gian nghỉ hè của các em lại đúng lúc dịch COVID-19 bùng phát mạnh, các trung tâm bơi lội và dạy bơi đều đóng cửa, tại nhiều nơi, đặc biệt các vùng nông thôn, nhiều học sinh có sở thích rủ nhau ra tắm sông, tắm ao, hồ mà không lường hết các nguy hiểm đang rình rập...
Nỗi lo của nhiều phụ huynh
Nhiều tỉnh thành ở miền Bắc và Hà Nội, người dân đang phải đối mặt với thời tiết khá khắc nghiệt, xuất hiện các đợt nắng nóng gay gắt.
Để giải nhiệt, nhiều học sinh thường thích tụ tập, rủ nhau đi bơi lội, tuy nhiên, hiện nay do đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát nên các trung tâm bơi lội đều đóng cửa (hạn chế việc tổ chức tập trung đông người), hay kể cả khi dịch đã được kiểm soát, Hà Nội vốn cũng thiếu cơ sở vật chất, chỉ có gần 400 bể bơi công cộng, bởi vậy tại nhiều nơi, đặc biệt các vùng nông thôn, nhiều học sinh thường có thói quen rủ nhau ra tắm sông, tắm ao, hồ mà không lường hết các nguy hiểm đang rình rập...
Khu vực các nữ sinh lớp 10 bị đuối nước tử vong tại đoạn sông Đà (huyện Ba Vì, Hà Nội).
Nói về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Yến (Q. Ba Đình, Hà Nội) khá lo lắng, nhà có 2 cháu nhỏ (8 tuổi và 5 tuổi), mọi năm, nghỉ hè thường cho các cháu ra bể bơi Khăn Quàng Đỏ (đường Hoàng Hoa Thám) để học bơi nhưng năm nay do dịch bệnh, các trung tâm bơi lội đều dừng hoạt động.
Các cháu nghỉ học cả tháng nay rồi, chỉ quanh quẩn ở nhà, chỗ ở chật chội, thiếu chỗ vui chơi. Nhiều lúc rất lo lắng, đi làm không yên tâm, phải gọi điện về nhà cho ông nội thường xuyên, chỉ lo các cháu chạy ra đường, hay ra hồ chơi... Sơ xuất thì hối không kịp.
Tương tự, chị Bùi Thùy Linh (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, ở đây khá ngột ngạt, chật chội nên muốn gửi cháu lớn (14 tuổi) về quê “trốn” nóng ở Mỹ Đức (Hà Nội) nhưng cũng không yên tâm.
Để cháu vui chơi mà không có mình ở bên giám sát tôi cũng rất lo vì ở quê nhiều cây cối, ao hồ... trong khi cháu lại rất hiếu động và hay nghịch nghợm. Bởi vậy, hè này, gia đình chỉ cho các cháu chơi tại nhà, tắm tại nhà, vừa để phòng chống dịch COVID-19, vừa tránh cháu theo bạn bè ra sông, hồ để bơi, đặc biệt là thời tiết nắng nóng kéo dài như thế này dễ xảy ra nhiều trường hợp đuối nước.
Thực tế, vừa qua, báo chí và truyền thông đã luôn phản ánh về các vụ đuối nước thương tâm xảy ra liên tiếp tại nhiều địa phương trên cả nước. Gần đây nhất, chiều 3/6, một vụ đuối nước thương tâm tại Biển Hồ, thuộc thôn 4, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku khiến 2 bé gái tử vong; hay ngày 31/5, tại huyện Cao Phong (Hòa Bình) xảy ra vụ đuối nước thương tâm làm 4 trẻ gái tử vong... Còn tại Hà Nội cũng đã xảy ra các vụ đuối nước đau lòng tại các huyện Ba Vì, Đan Phượng...
Nâng cao trách nhiệm của nhà trường và gia đình
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để học sinh có một kỳ nghỉ hè an toàn, vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có Văn bản số 1893/SGDĐT-CTTT về việc tăng cường phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh trong dịp hè 2021 gửi Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã.
Hiệu trưởng các đơn vị trực thuộc Sở, yêu cầu tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức cho trẻ em, học sinh để các em biết và tuân thủ các nguyên tắc khi đi chơi ở những khu vực như sông, hồ, ao, vũng nước sâu...
Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị các nhà trường phối hợp với các đoàn thể ở địa phương tổ chức các lớp học bơi, kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước cho học sinh trong dịp hè.
Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình trong việc quản lý học sinh trong thời gian nghỉ hè; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trong nhà trường và các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý.