Hà Nội

Bẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ cần lưu ý gì trong chế độ dinh dưỡng?

23-09-2023 06:15 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Ngoài việc xét nghiệm tiểu đường để kiểm soát bệnh thì chế độ ăn uống hợp lý là vô cùng quan trọng đối với các bà bầu trong thời kỳ mang thai.

Tiểu đường và các biến chứng trong thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ (TĐTK) là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào. Nguyên nhân chính do nhau thai tạo ra các loại nội tiết tố giúp thai nhi phát triển trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, những nội tiết tố này lại vô tình gây ra một số tác động xấu đến insulin, dẫn đến tình trạng rối loạn nội tiết tố và hậu quả là gây ra đái tháo đường thai kỳ. Tình trạng này thường được phát hiện từ tháng thứ 4 của thai kỳ và thường tự khỏi sau khi sinh khoảng 06 tuần.

Theo Hiệp hội Đái Tháo Đường Hoa Kỳ (ADA), chỉ số tiểu đường thai kỳ an toàn là: Đường huyết lúc đói: ≤ 5,1 mmol/l (92 mg/dl); Đường huyết sau khi ăn một giờ: ≤ 10 mmol/l (180 mg/dl); Đường huyết sau khi ăn hai giờ: ≤ 8,5 mmol/l (153 mg/dl ).

Bẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ cần lưu ý gì trong chế độ dinh dưỡng? - Ảnh 1.

Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý thường xuyên xuất hiện với bà bầu trong thời gian mang thai.

Trong giai đoạn mang thai, bà bầu được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ nếu có 2 kết quả bằng hay hơn giới hạn trên. Nếu có một kết quả bằng hay hơn giới hạn trên bà bầu được chẩn đoán rối loạn dung nạp đường trong thai kỳ.

Về các biến chứng, thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ có thể làm gia tăng tỷ lệ sẩy thai, thai lưu, sinh non, tăng huyết áp trong thai kỳ, đa ối, nhiễm trùng tiết niệu, viêm đài bể thận, mổ lấy thai. Về lâu dài, các thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ tăng nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường typ 2 và các biến chứng liên quan đặc biệt là biến chứng tim mạch. Thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ xảy ra các tai biến trong suốt quá trình mang thai cao hơn các thai phụ bình thường.

Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi chủ yếu vào giai đoạn ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ. Giai đoạn 3 tháng đầu, thai có thể không phát triển, sảy thai tự nhiên, dị tật bẩm sinh, những thay đổi này thường xảy ra vào tuần thứ 6 đến tuần thứ 7 của thai kỳ. Giai đoạn 3 tháng giữa, đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ có hiện tượng tăng tiết insulin của thai nhi, làm thai nhi tăng trưởng quá mức.

Chế độ dinh dưỡng bà bầu bị tiểu đường cần lưu ý 

Dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với thai phụ bị tiểu đường, một chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý có thể kiểm soát tốt đường huyết mà không cần dùng thuốc, hoặc giảm liều thuốc đang sử dụng và giảm các biến chứng do tiểu đường gây ra.

Theo tài liệu dinh dưỡng Quốc gia về dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai ban hành năm 2017 của Bộ Y Tế, nguyên tắc dinh dưỡng đối với thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ được chia làm 2 nhóm thực phẩm.

Bẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ cần lưu ý gì trong chế độ dinh dưỡng? - Ảnh 2.

Ngoài việc xét nghiệm tiểu đường để kiểm soát bệnh thì chế độ ăn uống hợp lý là vô cùng quan trọng đối với các bà bầu trong thời kỳ mang thai.

Thứ nhất, bà bầu nên ăn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp và trung bình như miến, bún tươi, khoai củ, cơm gạo tẻ (100 gam)... Nên ăn thịt nạc, cá nạc, đậu phụ, sữa chua, sữa, phô mai (ít béo, không đường).

Tăng cường ăn đa dạng thực phẩm từ 15 đến 20 loại để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, việc kiêng khem quá khắt khe sẽ gây tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. Nên chia thành nhiều bữa trong ngày để không làm tăng đường máu quá nhiều sau ăn, và hạ đường máu quá nhanh lúc xa bữa ăn. 

Nên ăn 3 bữa chính và 2 đến 3 bữa phụ. Chế biến thức ăn kiểu hấp, luộc tránh xay nhuyễn, hầm nhừ, bao bột chiên giòn Giảm ăn các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao làm tăng cao đường máu sau ăn: bánh, kẹo, kem, chè, trái cây sấy... Giảm ăn các thực phẩm nhiều chất béo gây tăng mỡ máu: Da, lòng đỏ trứng, phủ tạng (gan, tim, thận...) thức ăn chiên xào Giảm ăn mặn và các thực phẩm chế biến sẵn nhiều muối để phòng ngừa tăng huyết áp: mì gói, chả lụa, mắm, khô, tương, chao... Giảm uống rượu, bia, nước ngọt

Thứ hai, ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, người mẹ cần có thói quen sinh hoạt khoa học và lành mạnh. Hiệp hội tiểu đường Hoa Kỳ khuyến cáo phụ nữ có thai nếu không có chống chỉ định về sản khoa và nội khoa, thì nên bắt đầu hoặc tiếp tục tập luyện ở mức độ vừa phải vì nó có tác dụng làm tăng nhạy cảm với insulin của các tế bào, giảm đề kháng insulin dẫn đến giảm tình trạng đái tháo đường ở mẹ. 

Ngoài ra, việc thăm khám tiểu đường thai kỳ sát sao theo lịch cũng nên được mẹ bầu lưu ý để có thể đảm bảo sự an toàn tốt nhất cho thai nhi và sản phụ, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra với mẹ và bé. 

Xem thêm video được quan tâm:

Uống trà khi ăn bánh trung thu có ích lợi gì? | SKĐS



PV
Ý kiến của bạn