Trước đó 3 ngày, trẻ có biểu hiện sốt theo cơn kèm buồn nôn, nôn nhiều và được dùng thuốc theo đơn của trạm y tế xã. Sau 3 ngày dùng thuốc, tình trạng trẻ không cải thiện đồng thời xuất hiện cơn giật (khoảng 4 phút). Sau cơn giật trẻ lơ mơ nên được gia đình đưa vào cấp cứu tại BVĐK Thị xã Phú Thọ. Đến 4h sáng hôm sau, trẻ tiếp tục lên cơn co giật, ý thức lơ mơ, các bác sĩ xử trí đặt ống nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.
Sau 8h được điều trị chống phù não, điều trị tăng áp lực nội sọ và thở máy, tình trạng trẻ vẫn rất xấu. Trẻ hôn mê, glasgow 3 điểm, không có phản xạ ánh sáng, đồng tử 2 bên giãn 5mm, còn tăng áp lực nội sọ. Các bác sĩ ngay lập tức cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bé.
Trải qua 30 phút cấp cứu, trẻ có tim trở lại, nhịp tim không đều, mạch quay bắt yếu, huyết áp trung bình 60-65 mmHg, trẻ hôn mê sâu, đồng tử 2 bên giãn to 5mm, không có phản xạ ánh sáng, tiên lượng bệnh rất nặng, gia đình xin cho bé về, không tiếp tục điều trị.
Trẻ mắc cúm B tăng đột biến
Theo các bác sĩ, so với các năm trước thì năm nay số lượng bệnh nhi mắc cúm B được ghi nhận tại bệnh viện có sự gia tăng đột biến. Chỉ tính riêng 3 tháng cuối năm 2022, Khoa Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị cho 124 trẻ, con số này cao gấp 3 lần so với số liệu được tổng hợp trong cả năm 2020. Các bệnh nhi khi nhập viện điều trị chủ yếu có các biểu hiện như sốt cao liên tục, khó đáp ứng với thuốc hạ sốt kèm theo ho, viêm họng, sổ mũi.
Một thực tế đáng báo động là khi thấy trẻ bị cúm, các gia đình thường không đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám mà thay vào đó sẽ tự mua thuốc về điều trị cho con tại nhà. Chỉ đến khi các biểu hiện của trẻ nặng lên, gia đình mới cho trẻ đến bệnh viện thì khi đó rất có thể bệnh đã gây ra những biến chứng nặng không đáng có, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ.
BS. Trần Thị Thùy Linh - Giám đốc Trung tâm Tiêm chủng, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ khuyến cáo bố mẹ, người chăm sóc trẻ cần chú ý theo dõi kỹ các biểu hiện bệnh ở trẻ. Đặc biệt không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, kháng virus khi chưa có hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ, tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Đồng thời, tiêm phòng cúm là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu đối với cả trẻ em và người lớn.
Vì sao cả người lớn và trẻ em đều cần tiêm vaccine cúm hàng năm?
Theo BS. Linh, dịch cúm mùa hàng năm có ảnh hưởng đến tất cả các lứa tuổi (10-20% người lớn khỏe mạnh; 20-30% trẻ em) nhưng nguy cơ bị biến chứng nặng nề hơn rơi vào nhóm trẻ dưới 2 tuổi, người già trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, những người mắc các bệnh nền mãn tính như bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)…
Đặc biệt, virus cúm còn có thể phát triển rất nhanh trong cơ thể làm phá hủy tế bào gây suy đa tạng, thậm chí gây tử vong.
Các chuyên gia khuyến cáo phác đồ tiêm vaccine cúm cho từng đối tượng cụ thể như sau:
- Trẻ em dưới 9 tuổi cần được bảo vệ bởi 2 liều cúm, mỗi liều cách nhau tối thiểu 1 tháng trước khi tiến hành tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.
- Trẻ lớn trên 9 tuổi và người lớn cần tiêm vaccine mỗi năm 1 lần.
- Phụ nữ mang thai là đối tượng cần ưu tiên tiêm ngừa cúm.
- Đối với phụ nữ đang có kế hoạch mang thai, tốt nhất nên tiêm vaccine phòng cúm trước khi có thai 3 tháng. Nếu đang có dịch cúm mà chưa kịp tiêm trước khi mang thai, vẫn có thể tiêm phòng vaccine ngừa cúm bất hoạt vào 3 tháng giữa thai kỳ.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo:
1. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
3. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
4. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
5. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cẩn trọng với 5 bệnh mùa đông - xuân ai cũng có thể mắc phải | SKĐS