Ngày 30/5, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, bệnh viện vừa cứu sống thành công một bệnh nhi tái nhiễm sốt xuất huyết nặng. Cụ thể, bé Lý Hoàng L.V (nữ, 7 tuổi, ngụ tại Cà Mau).
Khai thác bệnh sử trong 7 ngày cho thấy, 4 ngày đầu bệnh nhi sốt cao liên tục từ 39-40 độ. Bé đã được người nhà cho uống thuốc hạ sốt giảm đau nhưng sau đó vẫn sốt lại. Bước sang ngày thứ 5, V. vẫn sốt kèm theo nôn ói nên được gia đình đưa tới Trung tâm y tế huyện. Tại đây, bệnh nhi đã được truyền dịch, xét nghiệm men gan với kết quả bình thường nhưng vẫn còn sốt, nhợn ói và lừ đừ. Tới tối ngày 19/5, gia đình đã chuyển V. lên nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).
PGS. TS. Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực-Chống độc cho biết: "Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lờ đờ, sốt cao, huyết động học ổn định nhưng khi xét nghiệm thì men gan tăng hơn 10 lần so với bình thường, tăng billirubin máu. Sau nhập viện 12 giờ, tình trạng tri giác của bé xấu dần, bé hôn mê, vàng da nhiều, gan to kèm men gan tiếp tục tăng cao hơn 100 lần so với bình thường. Chức năng gan giảm với NH3 (237 mmol/L), lactate(15 mmol/L) tăng rất cao, rối loạn đông máu nặng".
Tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, V. đã được đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp, chống phù não, điều trị suy gan cấp nặng, lọc máu liên tục, truyền máu và chế phẩm máu để ổn định chức năng đông máu tránh xuất huyết nặng. Song song đó, các bác sĩ đã tiến hành thực hiện các xét nghiệm khác để tìm ra nguyên nhân gây tổn thương gan ở V. như sốt xuất huyết Dengue, nhiễm trùng, viêm gan siêu vi, viêm gan tự miễn, ngộ độc thuốc và bệnh chuyển hóa…
Dù được điều trị tích cực nhưng bé vẫn mê sâu, mức độ tổn thương gan vẫn diễn tiến xấu gây suy gan nặng và rối loạn đông máu. Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực – Chống độc đã hội chẩn quyết định thay huyết tương thể tích lớn kết hợp với lọc máu liên tục cho bé để thay thế chức năng gan và ổn định chức năng đông máu.
Sau quá trình cố gắng của đội ngũ bác sĩ và bệnh nhân, tình trạng của V. đã dần cải thiện, các tổn thương gan dừng lại và chức năng gan dần phục hồi. Sau hơn 1 tuần điều trị tích cực, tình trạng bé đã tiến triển tốt, các bác sĩ đã ngưng lọc máu và cai máy thở cho bé. Hiện tại bé tỉnh táo, ăn uống được, chức năng gan đã hồi phục và được chuyển lên khoa Sốt xuất huyết tiếp tục theo dõi. Dự kiến bé có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cảnh báo: "Nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết nặng đã nhập viện vì trụy tim mạch, suy đa tạng, nhất là suy gan cấp nặng gây hôn mê gan, trường hợp nặng có thể xuất huyết nặng và dẫn tới tử vong. Vì thế các bậc phụ huynh phải luôn cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết Dengue".
Các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng 1 người có thể tái nhiễm sốt xuất huyết nhiều lần trong đời, các lần tái nhiễm sau sẽ nặng hơn, tình trạng bệnh dễ chuyển xấu hơn so với những lần trước. Vậy nên, không được chủ quan trước sốt xuất huyết, ngay khi trẻ sốt từ 2-3 ngày trở lên là phải nghĩ ngay tới nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết đầu tiên. Cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để phát hiện sớm sốt xuất huyết Dengue và được điều trị kịp thời.