Hà Nội

Bé 7 tuổi giúp bố sống thực vật tỉnh lại bằng lời nói yêu thương

29-09-2015 17:14 | Giới tính
google news

“Bố ơi, con nhớ bố lắm, bố tỉnh dậy đi…” những lời nói ngây thơ, trong veo của cậu con trai nhỏ đã giúp người bố thoát khỏi trạng thái sống thực vật sau một tai nạn nghiêm trọng.

Đó là sự kỳ diệu diễn ra với Trương Chí Cường, 35 tuổi ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc - người đàn ông đã sống thực vật suốt 47 ngày liền sau một tai nạn khủng khiếp.

Tai nạn bất ngờ ập xuống

Tối ngày 8/8 vừa qua, trong lúc đang gỡ camera gần trạm Nam, Vũ Xương, Vũ Hán, đột nhiên một thanh kim loại dài 4m rơi xuống, đập trúng đầu Trương Chí Cường khiến anh bất tỉnh. Các đồng nghiệp ngay lập tức đưa Trương đi cấp cứu.

Chung Quật - bác sĩ tham gia cứu Trương Chí Cường khi đó cho hay, toàn bộ sọ não của bệnh nhân này khi đó không khác gì vỏ quả trứng gà bị đập vỡ, rạn nứt, các cơ quan trong não bộ chảy ra ngoài, tình hình vô cùng nguy kịch, khó có thể giữ được tính mạng.

Sau khi phẫu thuật cấp cứu, các bác sĩ đã lấy ra những mảnh xương vụn và vật bẩn, sau đó dùng xương nhân tạo thay cho những chỗ xương não bị tổn thương.

Sau khi phẫu thuật, anh Trương được đưa vào phòng chăm sóc, giám sát đặc biệt. Dù đã giữ được tính mạng nhưng bệnh nhân đã rơi vào trạng thái sống thực vật.

Tuần đầu tiên, Trương thậm chí còn không thể tự hô hấp, không có bất cứ phản ứng gì với thế giới bên ngoài.

Các y tá đã sử dụng thuốc kích thích bệnh nhân tỉnh lại, đồng thời đề nghị gia đình cho bệnh nhân nghe những âm thanh quen thuộc, nhìn những bức ảnh thường gặp trong cuộc sống trước khi gặp tai nạn.

Trong gia đình, anh Trương yêu nhất là cậu con trai Khai Tâm, vì thế người thân quyết định ghi âm tiếng nói của cậu con trai, với các nội dung vui vẻ, yêu thương, mang vào bệnh viện cho anh nghe.


Chính cậu con trai đáng yêu đã tiếp sức cho anh Trương vượt qua được cửa ải nguy nan bậc nhất trong đời.

Chính cậu con trai đáng yêu đã tiếp sức cho anh Trương vượt qua được cửa ải nguy nan bậc nhất trong đời

Giọng nói của con trai: bố ơi, con nhớ bố

“Bố ơi, con là Khai Tâm, con rất nhớ bố, bố mau tỉnh lại đi. Bố đã nói sẽ đưa con đi học, nếu bố không tỉnh lại, con sẽ giận đấy”.

Tiếng nói trong veo, ngây thơ, đáng yêu của cậu con trai nhỏ mới học lớp 1 của anh Trương được ghi âm lại rồi mang vào bệnh viện vào ngày 15/8.

Thực ra, với một đứa trẻ 7 tuổi, cậu bé chưa hiểu nhiều về bệnh tình của bố. Nhưng nhận nhiệm vụ từ người lớn, em nói với bố hệt như bố đang ở trước mặt mình.

Trong căn phòng giám sát, theo dõi đặc biệt, mỗi ngày các y tá đều cho anh Trương nghe đoạn ghi âm từ 10 đến 30 phút.

Sau một tuần liên tục dưới sự hỗ trợ của các loại thuốc và đoạn ghi âm của con trai, người bố 35 tuổi dần có những chuyển biến tích cực.

Anh có thể nhấc tay, nghe được âm thanh, nước mắt trào ra từ trong khóe mắt, nỗ lực mở to mắt, khó nhọc tập đếm từ 1 đến 3, rồi đến 5, đến 10.

Trước khi nhập học một tuần, ông bà và mẹ đưa Khai Tâm vào bệnh viện thăm bố. Theo quy định, căn phòng đặc biệt của anh Trương không cho phép trẻ con vào trong, song vì trường hợp đặc biệt của gia đình, nên các y tá đồng ý cho cậu bé vào.

Nhìn thấy bố trên người cắm đầy ống, dây chằng chịt, cậu bé không dám tin đó là bố. “Bố ơi, bố ơi”, Khai Tâm có vẻ sợ hãi gọi. Người cha nằm trên giường, nước mắt trào ra.

Đến ngày 1/9, anh Trương đạt đến các điều kiện khôi phục, được chuyển từ phòng chăm sóc đặc biệt đến phòng bệnh thông thường. Đây là một niềm vui khôn xiết đối với gia đình cậu bé Khai Tâm.

Câu chuyện này một lần nữa cho thấy, tình cảm gia đình, những tiếng nói thân thương, sự quan tâm bao bọc lẫn nhau bao giờ cũng vậy, luôn là nguồn động lực lớn, giúp con người thoát khỏi những vực thẳm nguy hiểm trong đời.


Ý kiến của bạn
Tags: