Bé 7 tháng tuổi nguy kịch do gia đình nhầm sốt xuất huyết với rối loạn tiêu hóa

27-06-2022 19:38 | Y tế
google news

SKĐS - Bé 7 tháng tuổi mắc sốt xuất huyết nhưng gia đình nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa và cho uống thuốc không rõ loại dẫn tới nhập viện trễ. Trẻ được chuẩn đoán sốc giảm thể tích, tiêu chảy, nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa, sốc sốt xuất huyết Dengue nặng.

Ngày 27/6, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhi T. D. (7 tháng tuổi, nam, trú tại Đồng Tháp) trong tình trạng sốc sốt xuất huyết nặng.

Trước khi nhập viện 4 ngày, trẻ sốt nhẹ, tiêu chảy hơn 10 lần/ ngày, nôn ói. Ngày thứ 4, trẻ giảm sốt và tiêu chảy, nôn ói một lần. Gia đình đưa bé đến phòng khám tư cho uống thuốc, không rõ loại. Khi về nhà, bé D. đang ngủ thì co giật, tím môi. Người nhà đã đưa trẻ đến phòng khám đa khoa gần nhà để cấp cứu. Tại đây, bé được xử trí thở oxy, chống co giật bằng diazepam, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Trên đường chuyển viện, trẻ tiếp tục co giật.

Tại khoa Cấp cứu, trẻ còn co giật toàn thân, tím tái, sốc, huyết áp khó đo. Bệnh nhi được chẩn đoán sốc giảm thể tích, tiêu chảy, nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa; chẩn đoán phân biệt với sốc nhiễm trùng, sốc sốt xuất huyết Dengue nặng.

Bé 7 tháng tuổi nguy kịch do nhầm sốt xuất huyết với rối loạn tiêu hóa - Ảnh 1.

Hiện tình trạng bệnh nhi nhập viện trễ do nhầm sốt xuất huyết với rối loạn tiêu hóa đang dần cải thiện, tỉnh táo và bú được (Ảnh: BVCC)

Sau đó, bé trai được xử trí đặt nội khí quản thở máy, truyền dịch chống sốc, chống co giật, kháng sinh, điều chỉnh nước điện giải toan chuyển hóa máu. Xét nghiệm máu cho kết quả test nhanh kháng nguyên NS1 chẩn đoán sốt xuất huyết dương tính, tổn thương gan nặng, rối loạn đông máu nặng, albumin máu giảm nặng.

BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết: "Bệnh nhi được tiếp tục truyền dịch, truyền albumin, sử dụng thuốc vận mạch, truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc, điều trị hỗ trợ gan. Về tình trạng suy hô hấp nặng, bệnh nhi được chọc dẫn lưu dịch ổ bụng giải áp, tiếp tục điều chỉnh rối loạn toan chuyển hóa, điện giải. Sau hơn một tuần điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, được cai máy thở, tỉnh táo, bú được".

"Đây là một trong các trường hợp sốc sốt xuất huyết ở trẻ nhũ nhi. Biểu hiện sốt không cao kèm với triệu chứng tiêu hóa nên phụ huynh và nhân viên y tế dễ mất cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết, chỉ nghĩ bé bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy nhiễm trùng dẫn đến đưa trẻ nhập viện trễ", bác sĩ Minh Tiến nói.

Bác sĩ Tiến khuyến cáo, hiện đang vào mùa mưa, đây là thời điểm muỗi vằn phát triển truyền bệnh sốt xuất huyết. Phụ huynh cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, như diệt muỗi, lăng quăng, ngủ mùng...

Khi thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có một trong các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết như bứt rứt, lăn lộn hoặc li bì, lơ mơ, nói sảng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; đau bụng, ói; tay chân lạnh; lừ đừ, nằm một chỗ không chơi hoặc bỏ bú, bỏ ăn uống... cần đưa trẻ tới thăm khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và hỗ trợ kịp thời.

Infographic_6 điều nên làm để phòng bệnh sốt xuất huyếtInfographic_6 điều nên làm để phòng bệnh sốt xuất huyết

SKĐS - Để phòng chống sốt xuất huyết, bạn hãy làm 6 điều sau theo khuyến cáo của Bộ Y tế.



P.Thương
Ý kiến của bạn