BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, bệnh viện tiếp nhận và điều trị thành công cho một truờng hợp trẻ sốc sốt xuất huyết Dengue nguy kịch.
Được biết, bệnh nhân là bé N.M.Đ. 7 tháng tuổi, nam (ngụ tại huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp). Khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ bệnh 3 ngày, sốt nhẹ, tiêu phân lỏng nhiều lần, co giật toàn thân, được phòng khám đa khoa tư nhân xử trí thở oxy, chống co giật sau đó chuyển Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố. Trên đường chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trẻ liên tục co giật.
Tại khoa Cấp cứu, trẻ có tình trạng tím môi, vào sốc, mạch nhẹ khó bắt, huyết áp khó đo, xét nghiệm NS1Ag dương tính. Bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp và chống sốc theo phác đồ.
Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của bé diễn tiến ngày càng nặng, trẻ sốc kéo dài, kèm tổn thương gan (men gan > 4000 đv/L) kèm theo rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa và tràn dịch màng phổi màng bụng lượng nhiều gây suy hô hấp nặng. Bệnh nhi đã nhanh chóng được truyền máu và truyền huyết tương tươi đông lạnh.
Tình trạng hô hấp của bệnh nhi tiếp tục xấu đi, qua hình ảnh Xquang phổi cho thấy phổi bị tổn thương nặng lan tỏa 2 bên, có biểu hiện hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS acute respiratory distress syndrome) nặng.
Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn toàn bệnh viện và quyết định thực hiện kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Trẻ cũng được điều trị hỗ trợ gan, điều chỉnh nước điện giải, toan chuyển hóa, kháng sinh, hạ sốt, dinh dưỡng.
Sau 2 tuần điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, bệnh nhi được cai ECMO, cai máy thở, thở máy không xâm nhập, thở oxy qua cannula rồi trẻ tự thở được với khí trời.
Theo Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), bé được xuất viện sau 49 ngày nằm viện và được hướng dẫn chăm sóc tại nhà và tới tái khám, theo dõi định kỳ. Theo kết quả tái khám gần nhất cho thấy tình trạng trẻ phát triển tốt.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) khuyến cáo, dù tình hình dịch sốt xuất huyết tại TP.HCM đang có xu hướng giảm nhưng người dân tuyệt đối không được lơ là chủ quan trước dịch bệnh. Cần tiếp tục thực hiện các biện pháp tiêu diệt nơi sinh sản của muỗi hàng tuần tại nơi làm việc và nơi cư trú.