Hà Nội

Bé 7 tháng bỏng nước canh, cảnh giác và phòng ngừa tai nạn bỏng ở trẻ

06-08-2021 13:55 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - .Trẻ nhỏ thường tò mò, ưa thích các hoạt động khám phá, nếu cha mẹ và người chăm sóc không chú ý sẽ khó tránh khỏi khả năng trẻ gặp các tình huống đáng tiếc.

Nhanh chóng đưa vết bỏng vào dưới vòi nước hoặc vào chậu nước lạnh và sạch

Bỏng nước sôi là tai nạn thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ ở độ tuổi 1- 6. Ở lứa tuổi này, trẻ thường hiếu động, tò mò, nhưng chưa lường được sự nguy hiểm. Các nguyên nhân gây bỏng cho trẻ chủ yếu liên quan do sự bất cẩn của người lớn trong quá trình trông nom, chăm sóc trẻ.

Bé 7 tháng tuổi bỏng nước canh phải nhập viện

Mới đây, ngày 4/8/2021 Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận bệnh nhân H. T. M. L, 7 tháng tuổi, trú tại huyện Hà Quảng, nhập viện trong tình trạng bỏng nặng.

Theo lời kể, khoảng 6h sáng, người nhà có để bát canh nóng trên bàn, bé đang chơi gần đấy vô tình kéo bàn làm bát canh nóng đổ lên người, sau tai nạn trẻ quấy khóc nhiều, bỏng nhiều vùng trước ngực, bụng, 2 bên đùi.

Người nhà đã tự sơ cứu cho bé bằng cách để vùng bỏng dưới vòi nước, bôi kem đánh răng và tiết gà vào vết bỏng theo kinh nghiệm dân gian, nhưng không đỡ.

Những ngày sau đó, bé quấy khóc nhiều nên người nhà đưa bé đến TTYT huyện Hà Quảng và bé đã được chuyển lên Bệnh viện tỉnh để điều trị. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bé bỏng rộng vùng bụng và mặt trước 2 đùi, có vết phỏng rộp trượt da, bỏng độ III diện tích khoảng 15%. Bé được xử trí chống sốc, giảm đau, sơ cứu bỏng và chăm sóc theo dõi tại Khoa Chấn thương chỉnh hình .

photo-1628223293443

Tổn thương da của bé H. T. M. L,7 tháng tuổi, được cấp cứu tại BVĐK Cao Bằng

Sơ cứu ban đầu khi trẻ bị bỏng

Theo các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết, da trẻ em có những đặc điểm khác người lớn như mỏng hơn, sức chịu nhiệt kém, nên khi bị mức độ bỏng sẽ nặng, sâu hơn người lớn, thậm chí gây tổn thương tận cơ, xương, mạch máu, thần kinh...

Quá trình điều trị và hồi phục cho trẻ bị bỏng cũng chậm hơn so với người lớn. Bỏng ở trẻ em, dù diện tích nhỏ nhưng cũng có thể gây mất muối, nước, huyết tương... dẫn đến tình trạng sốc, nhiễm khuẩn, nhiễm độc và tử vong.

Thương tích do bỏng gây đau đớn, làm trẻ em hoảng sợ và có thể bị sốc, thậm chí khiến trẻ bị rối loạn tính cách, suy giảm khả năng đề kháng, tạo nên tâm lý không thích tiếp xúc.

Việc sơ cứu ban đầu khi trẻ bị bỏng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho vết thương không bị ăn sâu vào bên trong và tránh tình trạng bội nhiễm.

Xử trí không đúng cách ngay từ những giây phút đầu tiên có thể khiến vết thương nhiễm trùng, lâu lành và để lại các di chứng như sẹo xấu, co rút ngón tay… thậm chí để lại những thương tật vĩnh viễn cho các bé.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều bậc phụ huynh chưa nắm rõ, thậm chí hiểu sai về sơ cứu khi trẻ bị bỏng khiến vết thương của trẻ càng trở nên trầm trọng hơn. Thậm chí có trường hợp phụ huynh còn sử dụng: Tiết gà, lá cây, kem đánh răng, xát muối hay dùng cả nước mắm để bôi vào vết bỏng... khiến trẻ có nguy cơ nhiễm trùng vết bỏng.

photo-1628223295014

Nhanh chóng đưa vết bỏng vào dưới vòi nước hoặc vào chậu nước lạnh và sạch

Các bước sơ cứu, xử trí bỏng ban đầu cần lưu ý:

- Loại bỏ ngay tác nhân gây bỏng và đưa trẻ ra khỏi nơi có tác nhân gây bỏng.

- Nhanh chóng đưa vết bỏng vào dưới vòi nước hoặc vào chậu nước lạnh và sạch. Việc này giúp giảm nhiệt độ bỏng, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng.

Nếu không, có thể dội nước mát sạch lên đó vài lần. Vì ngay cả khi đã không còn tiếp xúc với tác nhân gây bỏng, nhiệt tích tụ ở vết bỏng vẫn tiếp tục gây tổn thương sâu hơn.

- Bảo vệ vết thương để tránh tổn thương và nhiễm trùng thêm bằng cách dùng bằng gạc sạch hoặc vải mỏng băng nhẹ nhàng che phủ vết bỏng, tránh băng quá chặt làm tổn thương tại vết bỏng nặng thêm.

- Không tiếp xúc trực tiếp các vật chưa vô khuẩn với vết bỏng, để tránh nhiễm khuẩn làm cho vết bỏng nặng hơn.

- Động viên, trấn an trẻ.

photo-1628223299132

Chỉ dùng nước sạch, không nên dùng nước đá lạnh để ngâm vết bỏng

- Nếu vùng bỏng lớn thì không nên cởi bỏ quần áo khiến bị lột da vùng bỏng, nên nhanh chóng dùng kéo cắt áo quần ra tách khỏi vết bỏng tránh việc áo quần dính chặt vào vết bỏng khiến vết bỏng bị đau rát, dễ viêm nhiễm.

- Nhẹ nhàng tháo bỏ các tư trang cá nhân, vòng lắc hoặc đồng hồ, giày dép… trước khi vết bỏng bị sưng nề.

- Sau khi sơ cứu ban đầu, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các biến chứng.

Cần lưu ý: Không bôi bất cứ thuốc hoặc hóa chất nào lên vết bỏng. Không dùng đá để làm mát vết bỏng, điều này khiến vết bỏng trở nên trầm trọng hơn, vùng da vừa bị bỏng sẽ bị lạnh đột ngột, làm tế bào co lại khiến vết bỏng lâu khỏi và dễ bị loét hơn.

Lời khuyên của thầy thuốc

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh những tai nạn bỏng đáng tiếc xảy ra với trẻ, bố mẹ, người trông trẻ cần thường xuyên để mắt đến trẻ; để những thứ dễ gây bỏng như nước sôi, phích nước, bát canh nóng… xa tầm với của trẻ.

Nơi ở cần gọn gàng, tránh để ở lối đi khiến người khác va phải; kiểm tra độ nóng của nước trong các bồn tắm cho trẻ nhỏ, không để trẻ tự vặn vòi nước nóng.

Riêng đối với trẻ em đã nhận thức được, các bậc phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở trẻ về cách phòng tránh tai nạn bỏng; bố trí bếp và nơi đun nấu xa tầm với của trẻ và sắp xếp gọn gàng.

Không nên ăn thức ăn nóng khi đang bế trẻ, chơi đùa với trẻ. Khi đun nấu cần để cán xoong chảo quay vào trong, tránh vô tình va phải gây bỏng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Lối sống lành mạnh


Đăng Anh
Ý kiến của bạn