Bé 30 tháng tuổi được cứu nhờ chạy tim phổi ngoài cơ thể

30-10-2019 13:57 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Bệnh nhi viêm phổi nặng, suy hô hấp nguy kịch tưởng đã không qua khỏi vừa được cứu sống tại BV Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) nhờ phương pháp trao đổi oxy màng ngoài cơ thể (ECMO).

Bé gái được đưa đến BV Nhi đồng Thành phố trong tình trạng nguy kịch. Trước đó bệnh nhi đã trải qua 2 đợt điều trị viêm phổi nặng liên tục 10 ngày tại hai bệnh viện khác nhưng vẫn sốt cao, viêm phổi nặng dần, sốt co giật, suy hô hấp tiến triển, khởi phát thêm cơn suyễn nặng.

Tại bệnh viện tuyến dưới, bệnh nhi lịm dần, nhịp thở mỗi lúc một yếu dù được các bác sĩ cho hỗ trợ thông khí áp lực dương liên tục và kháng sinh mạnh. Trên phim X-quang, các bác sĩ nhận thấy tổn thương phổi trắng xóa, phổi không thể trao đổi khí thêm được nữa.Ngay lập tức, các bác sĩ đặt ống nội khí quản, thở máy thông số cao và chuyển bé đến BV Nhi đồng Thành phố.

Tại khoa Cấp cứu của BV Nhi đồng Thành phố, tình trạng bé vẫn không cải thiện, rơi vào trạng thái sốc, tụt huyết áp, tiên lượng rất xấu, lượng oxy trong máu chỉ còn 60%. Các bác sĩ thống nhất chỉ định triển khai áp dụng kỹ thuật ECMO cho bệnh nhi đang nguy kịch vì trước đó đã thử hết các biện pháp hồi sức hô hấp tích cực như: thở ôxy, thở máy thông số cao mà lượng ôxy máu vẫn thiếu.

Ê kíp mạch máu nhanh chóng phối hợp nhịp nhàng cùng ê kíp hồi sức tích cực triển khai ECMO và theo dõi sát. Sau đó, tình trạng bé tiến triển tốt dần. Tuy nhiên, phải đến sau 8 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi mới có thể ngưng thuốc vận mạch hỗ trợ tuần hoàn, giảm thông số thở máy và rút ống nội khí quản. Tình trạng phim phổi trắng xóa lúc nhập viện đã cải thiện đáng kể, 2 phế trường sáng dần, thông khí tốt cả 2 phổi. Bệnh nhi có thể tự thở không cần sự hỗ trợ của ECMO.

Đây là trường hợp trẻ viêm phổi nặng kèm suyễn, nguy kịch suy hô hấp cấp tiến triển đầu tiên được thực hiện ECMO tại BV Nhi đồng Thành phố, cũng là trường hợp bệnh nhi đầu tiên được triển khai điều trị ECMO tại một trung tâm nhi khoa tại miền Nam Việt Nam.

Có lẽ đây là một trong những trường hợp hiếm hoi tại Việt Nam khi bệnh nhi nhỏ tuổi được bỏ thở máy ngay sau khi chạy ECMO. Chính kỹ thuật kịp thời này là yếu tố then chốt, góp phần vào sự thành công của điều trị, bệnh nhi gần như bình phục hoàn toàn và trở lại cuộc sống bình thường.

Máy ECMO có khả năng thay thế chức năng của tim và phổi. Những người cần sự hỗ trợ từ máy ECMO cần được chăm sóc trong đơn vị hồi sức tích cực (ICU) của bệnh viện. Thông thường, những người cần được hỗ trợ chỉ sử dụng máy ECMO trong một vài giờ đến một vài ngày, nhưng một số người có thể cần phải sử dụng ECMO trong một vài tuần, tùy thuộc vào diễn tiến bệnh. Có rất nhiều sự chồng lấp và sự khác biệt giữa việc sử dụng ECMO ở trẻ em và người lớn.

Phương pháp ECMO áp dụng cho những trường hợp bệnh nhi suy hô hấp nặng do tổn thương phổi và/hoặc trụy tim, suy tuần hoàn nặng đáp ứng kém hoặc không còn đáp ứng với các biện pháp hồi sức thông thường. Đây chính là biện pháp cuối cùng, là tia hy vọng cho những bệnh nhân đang cận kề cái chết.


BS.CKII. LÊ VŨ PHƯỢNG THY
Ý kiến của bạn