Trưa 3/8, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh tiếp nhận, cấp cứu bé N.T.H.V, 3 tuổi, ở TP. Vinh trong trạng thái tâm lý hoảng sợ và bị thương tích nặng ở vùng mặt.
Ngay lập tức bệnh nhi được các bác sĩ khoa Răng-Hàm-Mặt của Bệnh viện xử lý vết thương, truyền dịch, dùng kháng sinh, giảm đau và phẫu thuật cắt lọc tạo hình cho bé trong khoảng 3 giờ đồng hồ.
Qua khai thác bệnh sử, người nhà cháu bé V cho biết: V rất thích động vật, khi con chó đang ăn, bé V đi lại gần ôm nó để chơi, bất ngờ con chó tấn công bé. Mẹ cháu nghe tiếng la hét của bé nên đã chạy ra và thấy mặt cháu chảy nhiều máu do bị con chó cắn nhiều nhát vào vùng mặt.
BS.CKI Bàng Thị Thu Hường Khoa Răng-Hàm-Mặt Bệnh viện Đa khoa TP Vinh cho biết, trong thời gian vừa qua, Bệnh viện đã tiếp nhận khá nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị chó tấn công gây thương tích nặng. Hầu hết các trường hợp bị chó nhà tấn công thường do sự chủ quan lơ là của người lớn trong gia đình.
Cũng theo các bác sĩ Hường, bản chất vết cắn từ động vật rất nguy hiểm, có thể lây truyền tạp khuẩn, virus bệnh dại, đặc biệt có khả năng gây tử vong nếu tổn thương khí đạo mạch máu lớn vùng cổ.
Vì vậy, các phụ huynh cần lưu ý hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với chó nuôi, chó lạ. Gia đình có trẻ con không nên nuôi giống chó to và dữ, nếu nuôi bắt buộc phải tiêm phòng cho con vật đầy đủ. Ngoài ra, con vật phải được thuần dưỡng, xích, ra đường phải rọ mõm...
Nếu không may trẻ bị chó cắn, phụ huynh cần sơ cứu rửa kỹ vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước mạnh từ 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa tạm vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút.
Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc dung dịch cồn iod hoặc những thuốc tương tự (nếu có) nhằm làm giảm tối thiểu lượng virus xâm nhập nơi vết cắn.
Cần đưa trẻ đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được các thầy thuốc chăm sóc vết thương, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại.