Tại Khoa Chấn thương, Bệnh viện Mắt Trung ương vừa tiếp nhận điều trị cho bé Phạm H. V., 3 tuổi ở Hải Dương bị bỏng giác mạc do nghịch gói chống ẩm trong túi bánh gạo.
Anh Phạm Tuấn Anh (bố bé V.) cho hay, tối 19/1 bé thấy gói hút ẩm trong túi bánh gạo và lấy ra nghịch, không ngờ bị bột trong gói bắn vào mắt trái. Nghe tiếng khóc thét của con anh hoảng hốt chạy lại thì thấy hai mắt con nhắm tịt không thể mở ra được nên vội vàng bế con đến bệnh viện gần nhà sơ cứu.
Đến ngày 21/1 bé được đưa tới Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp tục điều trị.
Bác sỹ Hoàng Cương, Bệnh viện mắt Trung ương cho biết, bé V. nhập viện trong tình trạng mắt trái sưng đỏ, đau rát do bỏng. Hiện cháu bé đang được điều trị với chẩn đoán bỏng do chất chống ẩm bắn vào mắt.
Các bác sỹ tiên lượng, cháu V. chỉ bị nhẹ, bỏng độ 2, con ngươi không bị bột bắn vào nên thị lực có thể không bị ảnh hưởng nhiều. Bệnh nhân không phải mổ mà chỉ cần sử dụng thuốc để rửa, nhỏ mắt. Tuy nhiên do chất gây bỏng đậm đặc, xuyên sâu vào giác mạc nên mắt trái bé V. có thể sẽ phải mang sẹo suốt đời.
Được biết, đây là trường hợp thứ 3 bị bỏng mắt do gói chống ẩm đến khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) trong thời gian gần đây. Hầu hết nạn nhân ở độ tuổi dưới 5 nên không thể đọc được cảnh báo trên gói chống ẩm.
Hai ca trước đó bị bỏng rất nặng, một bên mắt không nhìn thấy. Hiện cả hai bệnh nhi này cũng đang chờ để ghép giác mạc.
Tiến hành làm một thử nghiệm trên giấy quỳ, các bác sỹ nhận thấy bột trong gói hút ẩm có độ PH là 12-14, có tính kiềm.
Theo bác sỹ Cương, bỏng do kiềm nguy hiểm hơn nhiều so với bỏng do axít, bỏng sâu, rộng, nguy cơ hoại tử tổ chức rất mạnh. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người không biết tới sự nguy hiểm khi trẻ nghịch những gói chống ẩm trong tất cả các sản phẩm.
“Gói chống ẩm thường có dạng bột và dạng hạt nhưng dạng bột nguy hiểm hơn. Hít phải bột này có thể gây bỏng hô hấp, bắn vào mắt gây bỏng mắt,” bác sỹ Cương phân tích.
Anh Tuấn Anh cho hay: “Tôi không nghĩ là gói chống ẩm nguy hiểm thế nên cũng không nghĩ đến chuyện vứt đi.”
Thông qua trường hợp bỏng mắt trên, các bác sỹ chuyên khoa về mắt khuyến cáo, bỏng mắt là một cấp cứu đặc biệt trong nhãn khoa, tổn thương chủ yếu là kết giác mạc, điều trị gặp nhiều khó khăn. Trong trường hợp trẻ bị chất lạ bắn vào mắt cha mẹ cần rửa mắt sớm, xối rửa dưới vòi nước trong tư thế bệnh nhân nằm ngửa, mắt mở chủ động hoặc người khác phải vành mi giúp sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế.